Giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại An Lão, Hoài Ân
Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Lê Văn Thanh (đứng) báo cáo công tác đào tạo nghề cho LĐNT với Đoàn giám sát.
Năm 2017, huyện An Lão đã tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho 250 LĐNT (đạt 167% kế hoạch). Tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề là 725,750 triệu đồng. Các nghề đào tạo gồm: may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, quản lý dịch hại tổng hợp (trên cây dâu tằm, cây bưởi da xanh). Mô hình liên kết may gia công do Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã An Hòa và Trung tâm GDNN - Hội LHPN tỉnh tổ chức đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo. Khảo sát của huyện An Lão cho thấy 85% lao động sau đào tạo có việc làm, trong đó, phần lớn là tự tạo việc làm.
Tại huyện Hoài Ân, trong năm, có 8 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với các nghề: kỹ thuật chế biến món ăn, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn. Tổng số lao động được đào tạo là 258 người (chỉ tiêu 250 người). Tổng kinh phí thực hiện ước đạt 571,170 triệu đồng. Huyện chưa thực hiện được mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chưa bố trí được cán bộ chuyên trách đào tạo nghề tại Phòng LĐ-TB&XH và Phòng NN&PTNT.
Cả hai huyện cũng trao đổi về những khó khăn, hạn chế của công tác đào tạo nghề LĐNT trên địa bàn. Trong đó, nhấn mạnh đến việc phân bổ kinh phí đào tạo năm 2017 chậm, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, đào tạo trong năm.
Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị của hai huyện, đề xuất lên UBND tỉnh để có những điều chỉnh trong năm tới. Đồng thời, đề nghị hai huyện bám sát tình hình địa phương, nhu cầu của người dân để tổ chức lớp hiệu quả.
Theo Nguyễn Muội (baobinhdinh.com.vn)