|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động cho vay hộ nghèo: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Từ đầu năm đến nay, hoạt động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (ÐTCSK) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ðiều nghịch lý là trong khi lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày càng giảm thì lãi suất các chương trình tín dụng ưu đãi (TDƯÐ) đến nay vẫn như cũ.

NHCSXH giải ngân cho vay hộ nghèo tại huyện Hoài Ân. 

Khó cả đôi bên

Trước những bất cập của lãi suất ngân hàng, “học tập kinh nghiệm” từ một người quen ở tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Hùng, trú tại phường Đống Đa - TP Quy Nhơn đã “nghĩ ra giải pháp” lập phương án sản xuất, kinh doanh để được vay vốn hỗ trợ lãi suất tại các NHTM, sau đó trả lại vốn cho ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) - nơi mà ông đã vay trước đó.

Cách làm của gia đình ông Hùng chỉ là “ví dụ” về thực trạng công tác cho vay hộ nghèo và các ĐTCSK. Bởi lẽ, trong khi lãi suất cho vay tại các NHTM liên tục giảm thì lãi suất của các chương trình TDƯĐ vẫn không được điều chỉnh giảm. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ 4% lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ, lãi suất vay vốn sau khi được hỗ trợ chỉ còn 5- 6,5%/năm, tương đương 0,42% - 0,54%/tháng. Song lãi suất cho vay các chương trình TDƯĐ tại NHCSXH vẫn giữ nguyên. Hiện lãi suất cho vay hộ nghèo và các ĐTCSK vẫn ở mức 0,5 - 0,9%/tháng, ngang bằng hoặc cao hơn lãi suất tại các NHTM đang áp dụng. Cụ thể, lãi suất cho vay vốn giải quyết việc làm, hộ nghèo là 0,65%/tháng; cho học sinh - sinh viên vay vốn học tập, cho vay xuất khẩu lao động 0,5%/tháng… Riêng chương trình cho vay nước sạch vệ sinh - môi trường nông thôn, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn có mức lãi suất lên đến 0,9%/tháng (tương đương 10,8%/năm và cao hơn lãi suất cơ bản 0,3%).

Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các ĐTCSK, mà còn tác động đến hoạt động của NHCSXH trên địa bàn. Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, dư nợ ở hầu hết các lĩnh vực tín dụng ưu đãi của các đơn vị thuộc chi nhánh đều không đạt. Tính đến ngày 31.7.2013, dư nợ cho vay hộ nghèo toàn tỉnh ước thực hiện gần 764 tỉ đồng, giảm gần 29 tỉ đồng so với kế hoạch; cho vay học sinh-sinh viên gần 747 tỉ đồng (giảm trên 33,3 tỉ đồng); cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 204 tỉ đồng (giảm 763 triệu đồng); cho vay dự án WB3  gần 111 tỉ đồng (giảm gần 48 tỉ đồng)… Tính đến cuối tháng 7.2013, NHCSXH huy động vốn toàn tỉnh đạt gần 80 tỉ đồng, giảm trên 14,4 tỉ đồng. Tình hình nợ quá hạn chiếm 0,65% tổng dư nợ và tăng gần 2,3 tỉ đồng.

Cần có giải pháp hữu hiệu

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp và dư nợ giảm so với kế hoạch là do doanh số thu nợ tăng so với cùng kỳ năm 2012 (khoảng 6,52%). Đồng thời, doanh số cho vay hộ nghèo giảm do chương trình hộ nghèo, đối tượng đủ điều kiện vay vốn trong tổng số hộ nghèo thấp, còn chương trình hộ nghèo mới điều chỉnh kế hoạch nên triển khai đạt thấp (chỉ khoảng 37,5%). Bên cạnh đó, chương trình cho vay học sinh - sinh viên thu nợ lớn và đến tháng 9.2013 mới bắt đầu giải ngân học kỳ I. Còn đối với dự án WB3, do việc cấp sổ đỏ muộn nên chỉ giải ngân được khoảng 50% của năm thứ 2. Ngoài ra, do công tác ủy thác ở nhiều tổ chức chính trị - xã hội chưa làm tốt 6 khâu công việc nhận ủy thác với NHCSXH, việc đối chiếu, phối hợp xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn chưa kịp thời, chưa tích cực.

Điều đáng nói, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ quá hạn (thậm chí áp dụng cả biện pháp khởi kiện), song tốc độ thu hồi nợ không bằng tốc độ chuyển nợ quá hạn mới nên nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng; đáng lo ngại là tình trạng nợ quá hạn đều tăng ở hầu hết các Phòng giao dịch NHSXH huyện.

Về vấn đề “độ vênh lãi suất cho vay” giữa các NHTM với các chương trình TDƯĐ của NHCSXH, theo ông Nguyễn Đình Sơn, đây là những bất cập cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là lãi suất cho vay hộ nghèo của NHCSXH cao hơn lãi suất của các NHTM, song NHTM chủ yếu cho vay ngắn hạn nên có thể điều chỉnh lãi suất liên tục, trong khi đó chương trình TDƯĐ cho người nghèo chủ yếu là các khoản vay trung và dài hạn.

Nhằm tạo điều kiện vay vốn TDƯĐ thuận lợi cho hộ nghèo và các ĐTCSK, trong thời gian đến, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ đẩy mạnh việc giải ngân cho vay các chương trình tín dụng; tiếp tục điều tra, rà soát nhu cầu vay vốn hộ cận nghèo; củng cố các chương trình ủy thác vay vốn TDƯĐ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động cho vay, trả nợ vay.

Đối với những bất cập về lãi suất cho vay hộ nghèo từ các chương trình TDƯĐ, ông Nguyễn Đình Sơn cho biết, trên cơ sở phản ảnh của các Chi nhánh NHCSXH, lãnh đạo NHCSXH Việt Nam đã và đang nghiên cứu, trình Chính phủ theo hướng giảm lãi suất cho vay hộ nghèo. Đối với các chương trình cho vay hộ nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay giải quyết việc làm… dự kiến đề xuất mức lãi suất giảm xuống còn 0,6%/tháng. Đối với hộ cận nghèo, lãi suất cho vay đề xuất giảm từ 0,845%/tháng xuống còn 0,78%/tháng. Đối với chương trình cho vay nước sạch nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, mức lãi suất cho vay đề xuất giảm từ 0,9%/tháng xuống 0,85%/tháng…

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật