|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thuỷ sản năm 2021

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 10/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì “Hội nghị trực tuyến giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021”. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng đại diện một số sở, ngành có liên quan của tỉnh.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Tại Hội nghị, đại diện Vụ Khai thác thủy sản – Tổng cục Thủy sản báo cáo Hiện trạng và những giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản năm 2021 và định hướng đến năm 2030. Theo Tổng cục Thủy sản, trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng của ngành thì tổng sản lượng thủy sản đảm bảo duy trì ổn định; trong đó, điều chỉnh giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản dự kiến 8,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD. Hiện nay, cả nước có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp; trong đó, có 415 nhà máy, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Ngoài ra, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, đồ hộp. Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt gần 180 thị trường trên thế giới.

Đối với tỉnh Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 127.500 tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm 2020. Kinh tế thủy sản, trong đó khai thác thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng, tăng nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi biển. Cùng với đó, tập trung vào các khâu bảo quản, chế biến, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch để nâng chất lượng thủy sản và gia tăng giá trị. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản đang quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cùng đó, tập trung điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Để đảm bảo phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội về đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đề xuất Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản. Nếu các nguồn vốn được thực thi thì hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi và đảm bảo cho phát triển thủy sản một cách bền vững./.

TL


Tin nổi bật Tin nổi bật