A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kết quả nổi bậc về công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2023 của Sở Tư pháp Bình Định

Trong 6 tháng đầu năm 2023, bám sát các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh; Sở Tư pháp Bình Định đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm; từ đó, đạt được những kết quả khả quan; một số kết quả nổi bật sau:

Về công tác xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); xử lý vi phạm hành chính: Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành 43 VBQPPL của HĐND, UBND; trong đó, HĐND, UBND tỉnh ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật; HĐND, UBND cấp huyện ban hành 12 VBQPPL; Sở Tư pháp đã tham mưu, giúp UBND tỉnh thẩm định 46 dự thảo VBQPPL; tham gia góp ý 89 dự thảo VBQPPL; phối hợp với Ban pháp chế HĐND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tự kiểm tra, xử lý VBQPPL theo quy định 31 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành; thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 12/12 VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành; tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế 34 văn bản; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố Danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần năm 2022. Theo đó, có 59 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 23 văn bản hết hiệu lực một phần. Sở Tư pháp đã tham mưu, đề xuất hướng xử lý đối với 18 vụ việc vi phạm hành chính; trong đó, chủ yếu là các vụ việc VPHC trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, thương mại, bảo vệ môi trường, y tế, an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); theo dõi thi hành pháp luật: 06 tháng đầu năm 2023, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện thường xuyên, linh hoạt hơn với nhiều hình thức, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và từng nhóm đối tượng, địa bàn cụ thể. Trong đó, nổi bật có các hình thức như: Tổ chức tuyên truyền trực tiếp 3.694 cuộc cho 456.818 lượt người dự nghe; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, PBGDPL pháp luật 244.121 bản gồm: đĩa CD, VCD, bản tin, Hỏi - Đáp pháp luật, tờ gấp, tờ rơi; 6.456 tài liệu được đăng tải trên Internet; viết tin, bài đăng tải trên báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, Bản tin, Tạp chí, Tờ thông tin nội bộ Hơn 5.000 tin, bài đăng tải trên báo, đài phát thanh - truyền hình; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật 182 cuộc. Phổ biến trực tiếp qua hội nghị, hội thảo hoặc qua đài truyền thanh, truyền hình; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cộng đồng ở địa phương; tổ chức ngày pháp luật; câu hỏi - đáp pháp luật; chuyên mục “Pháp luật và đời sống”; đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về XLVPHC trong các lĩnh vực khác nhau; tổ chức các câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Tuổi trẻ với pháp luật” hoặc “Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý” …); qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về việc tuân thủ pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm, góp phần ổn định đời sống, kinh doanh, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.
Về công tác hành chính và bổ trợ tư pháp:
- Công tác hành chính tư pháp: Sở Tư pháp tiếp nhận, kiểm tra và phân loại 2.805 thông tin, cung cấp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, sở Tư pháp các tỉnh khác 312 thông tin. Tiếp nhận 8.289 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp 7.771 trường hợp, trong đó: cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 là 7.562 trường hợp; cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 là 1.209 trường hợp. Cấp phiếu lý lịch tư pháp nhằm mục đích xóa án tích cho 50 trường hợp.
- Công tác bổ trợ tư pháp: Công tác công chứng tổng số việc đã công chứng là 29.658 việc, chứng thực là 96.629 việc, tổng nộp ngân sách nhà nước, nộp thuế là 1.602.087.251 đồng; công tác luật sư tổng số việc đã thực hiện được là 127 việc, tổng doanh thu là 778.100.000 đồng; công tác đấu giá tài sản đã thực hiện tổng số cuộc đấu giá là 604 cuộc, tổng số tiền thù lao dịch vụ đấu giá thu được là 721.947.409 đồng.
Về công tác trợ giúp pháp lý: Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định và các Chi nhánh TGPL của Trung tâm thực hiện TGPL 1.420 việc, vụ việc TGPL cho 1.420 người có yêu cầu được TGPL (Trong đó: phát sinh trong kỳ 1.194 vụ việc; năm 2022 chuyển sang 226 vụ việc; số vụ việc thực tế tăng 292 việc, vụ việc so với cùng kỳ năm 2022). Số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả: 33 vụ việc (tăng 01 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022).
Về công tác kiểm tra, thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo: Sở Tư pháp đã tổ chức triển khai thực hiện được 03 cuộc thanh tra, trong đó: 01 cuộc thanh tra hành chính và 02 cuộc thanh tra chuyên ngành; thanh tra 03 đơn vị về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đối với quyền sử dụng; tiếp 04 lượt người. Tiếp nhận 13 đơn khiếu nại, tất cả các đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đã thực hiện hướng dẫn cho công dân gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết; tiếp nhận 04 đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết đã thực hiện chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Về công tác chỉ đạo, xây dựng ngành, thi đua khen thưởng, cải cách hành chính: Tổ chức kiện toàn đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp phòng tại các phòng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đầy đủ, kịp thời quy trình nội bộ, công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung đối với các thủ tục hành chính liên thông, không liên thông cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp; sửa đổi Quy chế chi tiêu nội bộ của Sở Tư pháp; triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động, chương trình công tác 6 tháng đầu năm của Khối thi đua Nội chính tỉnh. Năm 2023, Sở Tư pháp Bình Định được Bộ Tư pháp cử làm Trưởng Khu vực thi đua khối cơ quan Tư pháp địa phương năm 2023. Theo đó, Sở Tư pháp Bình Định đã tổ chức, triển khai đầy đủ các nội dung phong trào thi đua do Bộ Tư pháp phát động kịp thời và đạt nhiều kết quả..
Ngoài ra, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành, địa phương trong việc giải quyết các công việc được UBND tỉnh giao; sâu sát cơ sở, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, tháo gỡ khó khăn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác tư pháp tại các địa phương; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các công chức, viên chức ngành Tư pháp, và thực hiện tốt các nhiệm vụ tư pháp ở địa phương./.


Tác giả: Việt Dũng
Nguồn:stp.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật