A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Ngân hàng đảm bảo an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

(BĐ) - Sáng 28.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự Hội nghị tại điểm cầu NHNN Việt Nam có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ngành Trung ương; tại điểm cầu Chi nhánh NHNN Việt Nam tỉnh có đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng và đại diện các sở, ngành của tỉnh cùng các ngân hàng thương mại dự Hội nghị. Ảnh: TIẾN SỸ

Báo cáo của NHNN và các tham luận tại Hội nghị cho thấy, năm 2022 ngành Ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy KT-XH đất nước phát triển. Đến ngày 21.12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH đến ngày 30.11 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81%. Ngành Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị 722.334 tỷ đồng cho 1,1 triệu khách hàng; miễn, giảm giữ nguyên nhóm nợ với giá trị 92.425 tỷ đồng với gần 562.000 tỷ đồng; doanh số hỗ trợ lãi suất ước đạt gần 30.000 tỷ đồng.

Tại Bình Định, hoạt động Ngân hàng tiếp tục duy trì và phát triển. Nguồn vốn huy động đến ngày 31.12.2022 ước đạt 90.400 tỷ đồng, tăng 11,52% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt 97.500 tỷ đồng, tăng 7,4%. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh ước đạt 5.525 tỷ đồng, tăng 14,5%.

Năm 2023, NHNN Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ phục hồi và phát triển KT-XH, các Chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025...

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng đối với quá trình khôi phục, phát triển KT-XH đất nước.

Về nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và an toàn hệ thống; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn. Mục tiêu cao nhất đối với ngành Ngân hàng năm 2023 và những năm tiếp theo là phải đảm bảo được an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống, phát triển an toàn lành mạnh, minh bạch gắn với việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, DN và các chủ thể có liên quan. Ngành Ngân hàng cần phải đảm bảo thanh khoản thông suốt trong bất cứ mọi trường hợp…


Tác giả: PHẠM TIẾN SỸ
Nguồn:baobinhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật