|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người “cầm cân, nảy mực” ở các thôn làng

Tại các huyện miền núi của tỉnh Bình Định hiện có nhiều già làng, Người có uy tín đã và đang làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở. Họ được xem là những người “cầm cân, nảy mực”, giúp hoá giải những mâu thuẫn trong thôn làng, dòng tộc, được bà con tin tưởng.

Ông Sô Y Tuấn luôn được bà con tin tưởng trong công tác hoà giải tại thôn làng

Ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, ông Sô Y Tuấn là Người có uy tín từ năm 2021. Ông luôn gương mẫu, tích cực trong việc làng, được bà con tin tưởng, quý mến.

Để làm tốt công tác vận động, hòa giải tại cơ sở, ông Sô Y Tuấn thường xuyên phối hợp với cán bộ của làng, xã tuyên truyền cho bà con về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là giúp cho bà con hiểu và phân biệt được thế nào là đúng, là sai; đứng ra khuyên can, giảng giải để người dân hiểu, nhận thức được việc làm, hành vi của mình, giúp các hộ sống đoàn kết và hòa thuận hơn.

Trong gần ba năm làm Người có uy tín, ông Sô Y Tuấn đã góp phần hòa giải thành công hàng chục vụ việc mâu thuẫn ở làng Canh Lãnh. Góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Để làm tốt công tác vận động, hòa giải, trước hết mình phải gần gũi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để động viên, giúp đỡ. Đối với những trường hợp mâu thuẫn kéo dài, mình phải đi nhiều lần, kiên trì, khéo léo nắm bắt tâm lý, chia sẻ, tạo sự tin tưởng thì bà con mới nghe và làm theo”, ông Sô Y Tuấn chia sẻ.

Còn tại làng Suối Đá, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, già làng Mai Thanh Vân cũng được nhiều người tin tưởng và gọi bằng cái tên trìu mến - già Vân. Bởi, bao năm rồi ở làng này, trong cuộc sống yên bình của người dân ít nhiều đều có dấu ấn của già Vân.

Già Vân cho hay: Trước đây, bà con ở làng khổ lắm, chỉ biết phá rừng làm rẫy, không đủ ăn. Đã vậy, tệ uống rượu, bỏ bê nương rẫy khiến nhiều nhà phải luôn đối diện với cái đói giáp hạt, năm nào chính quyền cũng phải hỗ trợ.

Già Vân đã cùng Ban Quản lý làng đề ra quy ước đầu tiên trong phong trào xây dựng làng văn hóa với tiêu chí “không được sa đà vào việc uống rượu say”. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng đã làm thay đổi trật tự xóm làng, người dân chăm lo sản xuất, không mâu thuẫn, đánh nhau, không gây mất trật tự địa phương.

Già Vân chia sẻ: “Muốn bà con nghe và làm theo thì mình phải nói có tình, có lý và đặc biệt là mình phải làm gương, phải bảo được con cháu mình làm điều đúng và chú tâm làm ăn, phát triển kinh tế”.

Ở thôn T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, già làng Đinh Sinh được gọi là “Vua hòa giải”, Người có uy tín, gương mẫu, tích cực trong mọi công việc xã hội được bà con đồng bào Ba Na trong thôn T2 tin yêu, trân trọng, quý mến.

Để làm tốt công tác vận động và hoà giải, già làng Đinh Sinh thường xuyên “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm thuyết phục mọi người hiểu được lẽ phải và phân biệt cái đúng, cái sai. Từ đó, người dân tự ý thức việc làm của mình, tự hoà giải giữa các hộ dân cùng nhau sống đoàn kết và hoà thuận với nhau.

Hiện nay, tại các thôn làng đồng bào DTTS ở Bình Định vẫn còn nhiều già làng, Người có uy tín không kể sớm tối, luôn kiên trì vận động, sâu sát, kết nối đến từng hộ dân. Trách nhiệm, tận tụy với công việc, họ trở thành người “cầm cân, nảy mực”, trở thành trung tâm đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS.


Tác giả: T.Nhân - H.Trường
Nguồn:baodantoc.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật