|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh sởi ở trẻ em

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa Đông Xuân, tuy nhiên, trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của bệnh sởi trên toàn thế giới, với hơn 306 nghìn trường hợp được báo cáo vào năm 2023, tăng 79% so với năm 2022.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh. Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… chính vì vậy bệnh dễ lây thành dịch. Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt cao, phát ban lan rộng trong cơ thể (phát ban có thể bắt đầu ở đầu và sau đó lan sang phần còn lại của cơ thể), ho, mắt đỏ, đau họng, sổ mũi, đốm trắng bên trong miệng… Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, bùng phát lao tiềm ẩn; thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Để phòng ngừa bệnh sởi lây lan, cần đảm bảo rằng mọi người trong gia đình đều được tiêm vắc xin phòng sởi. Tại nước ta, lịch tiêm vắc xin phòng sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) là 2 liều, liều thứ nhất cần bắt đầu sớm ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp, trong trường. Uống thuốc hạ sốt khi sốt từ 38,50 C trở lên, nhỏ mắt bằng nước muối 0,9%, bổ sung vitamin A để dự phòng thiếu vitamin A, giúp bảo vệ mắt nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Vệ sinh thân thể, môi trường xung quanh. Đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại hoa quả có màu đỏ, màu cam, uống nhiều nước. Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý, chế biến thức ăn mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Trong thời gian chăm sóc và điều trị tại nhà, trẻ có các dấu hiệu bất thường như xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, có biểu hiện chói mắt hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám lại và xử trí kịp thời.


Tác giả: MINH PHƯỢNG
Nguồn:Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật