A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 11/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Đồng chí Phùng Đức Tiến,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2021, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 515 triệu con, lợn 28 triệu con, bò 6,5 triệu con. Dịch cúm gia cầm (CGC) xảy ra tại 125 xã, thuộc 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 457 nghìn con gia cầm; dịch tả lợn châu phi xảy ra tại 3.154 xã, thuộc 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 289 nghìn con lợn; bệnh viêm da nổi cục (VDNC) xảy ra tại 4.349 xã, thuộc 55 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 29.100 con gia súc; bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 89 xã, thuộc 18 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 349 con gia súc.

Về thủy sản, năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn quốc bị dịch bệnh là 5.608 ha (giảm 33% so với cùng kỳ); tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 21.190 ha (giảm 54% so với cùng kỳ).

Nhận định nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với động vật trên cạn, thủy sản tại các địa phương, năm 2022, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh đối với động vật trên cạn, thủy sản của Chính phủ. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Luật Thú y; tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vaccine phòng dịch trên đàn vật nuôi, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh…

Riêng tại Bình Định, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển theo hướng bền vững. Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được khống chế. Năm 2021, toàn tỉnh có tổng đàn heo đạt 882.937 con, tương đương cùng kỳ năm 2020; đàn bò đạt 297.935 con, tăng 0,4%, đàn gia cầm hơn 9,1 triệu con tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2022, Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng chăn nuôi từ 5 - 6%. Các địa phương trong tỉnh chủ động thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, chăm sóc vật nuôi đạt hiệu quả theo kế hoạch. Hiện các địa phương tổ chức tiêm vaccine lở mồm long móng trên đàn trâu bò đạt 80% tổng đàn; cúm gia cầm đạt 75% tổng đàn; viêm da nổi cục đạt 90% tổng đàn; thực hiện duy trì tiêm phòng bổ sung cho gia cầm nuôi mới, tái đàn đảm bảo đủ liều, đủ lượng, đủ mũi theo quy định. Công tác giám sát sau tiêm phòng cũng được duy trì đều đặn và hiệu quả. Bên cạnh đó, năm 2022, ngành Nông nghiệp cũng chú trọng vào công tác phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi, nhất là bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi…; tổ chức tốt công tác tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi đạt tỷ lệ theo quy định; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung thâm canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Tại Hội nghị, các địa phương đã báo cáo tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn, làm rõ một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đề xuất các giải pháp hạn chế tối đa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, trong năm 2022, Cục Thú y và các địa phương quan tâm tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; bám sát, kịp thời cảnh báo và xử lý các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; tập trung vào phòng chống dịch bệnh, quản lý thuốc và vaccine, xây dựng nghiên cứu và phát triển vaccine; Rà soát tiêm phòng trên một số loại dịch bệnh; tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; đảm bảo yêu cầu các điều kiện để sản xuất mới, tăng cường xúc tiến thương mại...

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật