A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðổi thay ở vùng cao An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện An Lão đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong giảm nghèo; diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng khang trang, hiện đại.

Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo

An Vinh là xã nghèo của huyện An Lão, với 98% dân số là người dân tộc H’re. Từ cuối năm 2022 đến nay, nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn thuộc Nội dung số 1 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi), UBND xã đã hỗ trợ bò, heo đen giống, tạo sinh kế cho nhiều gia đình.

Cán bộ UBND xã An Vinh thường xuyên giúp đỡ, kiểm tra tình hình phát triển đàn heo của hộ anh Đinh Văn Nên (ở thôn 7). Ảnh: T.C

Gia đình anh Đinh Văn Nên (SN 1994, ở thôn 7) thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2023, anh được hỗ trợ 3 con heo đen (2 heo cái và 1 heo đực) trị giá 10 triệu đồng. Sau khi nhận heo, anh đã chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn để heo phát triển, sinh sản tốt. Sau gần 8 tháng nuôi, đàn heo đã sinh sản được lứa đầu với 11 heo con. Chỉ sau thời gian ngắn nuôi, anh đã bán heo giống và có lãi khoảng 15 triệu đồng.

Anh Nên cho hay: “Hiện tại, gia đình tôi đang gầy đàn mới với 8 con heo đen. Nếu nuôi bài bản, cho ăn đầy đủ thì 1 năm heo đẻ khoảng 2 lứa, gia đình tôi sẽ có thêm một khoản thu nhập khá, có tiền chăm lo cho các con đi học và xoay vòng vốn mới”.

Còn tại xã An Trung, nhiều hộ dân cũng từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn lực hỗ trợ. Đến nay, UBND xã An Trung đã hỗ trợ 145 con heo đen cho các hộ dân trên địa bàn (3 con/hộ), 108 con heo nái F1 (3 con/hộ), 36 con dê bách thảo (9 con/hộ), 1.500 con gà (500 con/hộ)...

Ông Đinh Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung cho hay, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo là biện pháp hữu hiệu trong công tác giảm nghèo. Mỗi hộ có điều kiện và năng lực khác nhau nên trước khi quyết định hỗ trợ, xã đều tìm hiểu kỹ nhu cầu và khả năng để có hướng hỗ trợ phù hợp. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 31,3% (năm 2022 là 51,3%).

Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho hay, năm 2022 - 2023, thực hiện Nội dung số 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, UBND huyện đã phân bổ cho các xã, thị trấn gần 6,1 tỷ đồng để mua, hỗ trợ người dân 35 con trâu, bò giống, gần 800 con heo sinh sản, 4.700 con gà thả vườn, 800 cây giống ăn quả... Từ đó, các địa phương đã triển khai 80 dự án, mô hình cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho 1.000 hộ có điều kiện phát triển sản xuất, tiến tới thoát nghèo.

Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ

Theo UBND huyện An Lão, giai đoạn 2021 - 2024, tổng vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi phân bổ cho huyện là hơn 95 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, UBND huyện đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn 10 xã, thị trấn.

Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa 16 tuyến đường bê tông liên thôn, đường dẫn vào các khu sản xuất của người dân; xây dựng nhiều tuyến kênh mương nội đồng; hệ thống điện ở xã An Hưng; các thiết chế nhà văn hóa xã An Vinh, An Toàn, An Dũng, An Hưng, An Nghĩa...; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 23 hộ ở các xã đặc biệt khó khăn và đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung tại xã An Trung... Nhờ đó, hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ giữa các khu dân cư và khu sản xuất, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Cũng từ vốn của Chương trình, nhiều trường học trên địa bàn huyện cũng được đầu tư sửa chữa. Trong đó, nổi bật là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đinh Ruối (xã An Quang), Trường Phổ thông dân tộc bán trú An Lão (thị trấn An Lão), Trường Tiểu học xã An Nghĩa...

Ông Đỗ Tùng Lâm cho biết, thời gian tới, UBND huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của Chương trình; tập trung nguồn lực, đầu tư có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển toàn diện KT-XH vùng DTTS; chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng yếu thế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để cố gắng xóa dần khoảng cách với các địa phương khác...


Tác giả: TRIỀU CHÂU
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật