Hoài Nhơn phát triển kinh tế biển
Thời gian qua, huyện Hoài Nhơn chú trọng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển ngành Thủy sản của Nhà nước giúp ngư dân có điều kiện phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Tam Quan... Đến nay, toàn huyện có 2.297 tàu cá với tổng công suất 1,15 triệu CV; trong đó có 1.994 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi. 9 tháng đầu năm 2019, ngư dân huyện Hoài Nhơn khai thác hơn 43.148 tấn thủy sản, tăng 4.548 tấn so cùng kỳ năm 2018; trong đó, cá ngừ đại dương 8.860 tấn, tăng 110 tấn so cùng kỳ năm trước.
Tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn neo đậu tại cảng cá Tam Quan.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, địa phương là huyện trọng điểm nghề cá của tỉnh, đội tàu hoạt động các nghề lưới vây, lưới rê, câu mực, câu cá ngừ đại dương… Huyện đã thành lập 668 tổ đoàn kết khai thác thủy sản (KTTS) nhằm giúp ngư dân vừa hỗ trợ nhau trong sản xuất, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Với 1.095 tàu cá; trong đó có 995 tàu đánh bắt xa bờ, xã Tam Quan Bắc - một trong 6 xã biển của huyện Hoài Nhơn - có đội tàu đánh bắt thủy sản lớn nhất huyện. Ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xã xác định phát triển ngành kinh tế chủ lực vẫn là nghề KTTS. Về lâu dài xã định hướng phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá”.
Nhờ được tiếp cận chính sách vay vốn Nghị định 67 của Chính phủ, năm 2017, ngư dân Lê Văn Chiều, ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) đóng mới tàu vỏ thép công suất 822 CV làm nghề mành chụp, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại, đồng bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Đóng tàu vỏ thép ra khơi hiệu quả tăng thấy rõ, bình quân mỗi chuyến biển tàu tôi đánh bắt được 30 tấn thủy sản. Trung bình mỗi phần bạn thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/chuyến; có chuyến đánh bắt đạt sản lượng khá thu nhập phần bạn hơn 10 triệu đồng/người/chuyến”, ông Chiều bộc bạch.
Tàu câu cá ngừ của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng cá Tam Quan bán sản phẩm.
Cùng với hoạt động KTTS, nghề nuôi trồng thủy sản ở Hoài Nhơn cũng từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện chú trọng tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho người dân trong nuôi trồng thủy sản, khuyến khích người dân đầu tư đa dạng đối tượng nuôi theo từng vùng, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị kinh tế. Năm 2019, diện tích thả tôm nuôi vụ chính của huyện là 124,7 ha; diện tích thu hoạch 123,5 ha, năng suất đạt 9,87 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1.200 tấn. Thời điểm này, người nuôi tôm trong huyện đang thả nuôi và chăm sóc tôm nuôi vụ phụ với diện tích 119 ha.
Ông Lê Văn Nhơn, người dân nuôi thủy sản ở xã Tam Quan Nam, chia sẻ: “Nhà tôi có ao nuôi diện tích hơn 5.000 m2 thả nuôi cùng lúc cả tôm thẻ chân trắng, cua và cá đối mục theo phương thức đánh tỉa, thả bù với tôm, cua, còn cá đối mục thì tôi nuôi khoảng 6 - 7 tháng sẽ xuất bán. Nuôi thủy sản tổng hợp mang lại hiệu quả cao, mỗi năm tôi thu nhập hơn 150 triệu đồng”.
Để thực hiện mục tiêu đưa huyện Hoài Nhơn trở thành địa phương mạnh về nghề biển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng kinh tế ngành Thủy sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công, cho biết thêm: Huyện tập trung đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp chế biến thủy sản gắn với nâng cao hiệu quả nghề KTTS xa bờ, nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành nghề dịch vụ. Tập trung nạo vét luồng lạch cửa biển Tam Quan, triển khai dự án hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá và cảng cá Tam Quan. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN
Theo baobinhdinh.com.vn