A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Hoài Ân: Nỗ lực giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống

Là huyện có ba dân tộc Kinh, Bana, H’re sinh sống lâu đời, mỗi dân tộc có đặc trưng văn hóa riêng, Hoài Ân đã và đang nỗ lực giữ gìn, phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống ở địa phương…

Định kỳ hai năm một lần, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào thiểu số miền núi của huyện, Ngày hội Văn hóa-  Thể thao người cao tuổi, Hội rằm Trung thu... được các cấp, các ngành quan tâm, duy trì tổ chức. Một số lễ hội văn hóa dân gian cổ truyền như lễ hội Cúng Chòm ở xã Ân Phong, Hội đình làng ở Ân Thường 2 (xã Ân Thạnh), lễ ăn mừng cốm lúa mới, lễ ăn trâu cầu phúc của dân tộc Bana, H’re được khai thác, chọn lọc, phục dựng, tạo điều kiện cho các vùng đồng bào, các dân tộc trong huyện có điều kiện giao lưu học hỏi. Qua đó, các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, kinh nghiệm nghề truyền thống vốn có được trao truyền từ lớp người trước cho lớp kế cận.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa huyện Hoài Ân chú trọng đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng. Trong các kỳ liên hoan làng văn hóa, đơn vị văn hóa, hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cơ sở đến huyện, ngành văn hóa khuyến khích đưa dân ca, dân vũ vào biểu diễn và đến nay, đã hình thành nhiều câu lạc bộ hát ru, hát dân ca trong các tổ chức Hội Phụ nữ, Nông dân, Người cao tuổi.

Công tác xã hội hóa văn hóa, thể thao của huyện những năm qua đã thu lại nhiều kết quả. Với phương châm “lấy sức dân lo cho dân”, hơn 10 năm qua, nhân dân các địa phương trong huyện đã đầu tư công sức, đóng góp kinh phí, cùng với nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân là con em quê hương thành đạt, để xây dựng và hoàn thiện nhiều thiết chế văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân có nhiều công trình văn hóa ra đời từ sức dân, tiêu biểu như Khu di tích lịch sử Vạn Đức - nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện, Khu di tích Đền thờ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, Khu di tích Đình làng An Thường, Khu di tích Văn chỉ Hoài Ân...; các nhà rông cổ truyền...

Trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội tại cơ sở, đều có một phần kinh phí do người dân đóng góp. Tư tưởng trông chờ vào ngân sách nhà nước giảm dần. Những kết quả trong sự nghiệp phát triển văn hóa từ phương châm “lấy sức dân lo cho dân” ở huyện Hoài Ân trở thành động lực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay của huyện trung du này.


Tin nổi bật Tin nổi bật