A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm nổi bật trong sản xuất lúa Phù Cát năm 2011

Với 8.825 ha đất trồng lúa chủ yếu nằm trên hạ lưu chi nhánh sông Côn và sông La Tinh, Phù Cát là huyện có tiềm năng phát triển cây lúa. Trong những năm gần đây, năng suất lúa Phù Cát không ngừng tăng lên. Năm 2011, toàn huyện gieo trồng được 17.044 ha lúa, năng suất đạt 56,4 tạ/ha, sản lượng đạt 96.094 tấn; đây là năm đạt diện tích, năng suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay.

Vụ Đông Xuân, toàn huyện gieo trồng 7.283 ha lúa, năng suất đạt 62,5 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha so vụ Đông Xuân năm trước. Điểm nổi bật trong vụ Đông Xuân là nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết liệt của chính quyền trong công tác phòng chống bệnh rầy nâu và đạo ôn nên bà con đã sớm chặn đứng được tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Vụ Hè Thu, toàn huyện gieo trồng 6.016 ha, năng suất đạt 58,8 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha so vụ Hè Thu năm trước. Điểm nổi bật trong vụ Hè Thu là nhờ tiểu dự án kênh mương sông La Tinh đưa vào hoạt động nên bà con có điều kiện mở rộng diện tích, tình trạng thiếu nước tưới cục bộ giữa và cuối vụ ở các xã Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tài và Cát Minh được khắc phục, cây lúa được chăm sóc tốt hơn nên năng suất đạt khá hơn. Vụ Mùa, toàn huyện sản xuất 3.745 ha, năng suất ước đạt 40,6 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha so vụ Mùa năm trước. Điểm nổi bật trong vụ Mùa là việc chỉ đạo sản xuất phù hợp với nguồn nước, chỉ sản xuất ở những vùng đảm bảo nước tưới cả vụ và kiên quyết không sản xuất ở những vùng thiếu nước. Nhờ vậy, lúa sạ nước tăng 341 ha, lúa gieo khô giảm 467 ha. Tăng diện tích lúa gieo sạ có năng suất cao, hạn chế diện tích lúa gieo khô năng suất thấp làm cho năng suất vụ Mùa tăng lên đáng kể.

     Vấn đề khai thác tối đa diện tích canh tác, nâng cao năng suất luôn đặt câu hỏi lớn cho người quản lý và nông dân. Do địa hình tự nhiên nằm bao quanh dãy núi Bà nên đất nông nghiệp Phù Cát hình thành chủ yếu ba vùng khác nhau. Vùng phía Tây và trung tâm huyện gồm 6 xã: Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh, Cát Tường, Cát Tân và thị trấn Ngô Mây; vùng phía Bắc và Đông Bắc huyện gồm 6 xã: Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành và Cát Hải; vùng phía Đông và vùng phía Nam huyện gồm 5 xã: Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng, Cát Hưng và Cát Nhơn. Địa hình phân bổ khác nhau nên thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Vùng miền núi Cát Lâm, Cát Sơn, vùng đất cát Cát Hiệp, Cát Hải; những mảnh đất chân cao trên vành đai dãy núi Bà đâu phải vụ Mùa nào trời cũng thường mưa đều như mong ước người nông dân! Vùng nào sản xuất, vùng nào không sản xuất, làm cách nào để thay đổi tập quán canh tác đã ăn sâu trong nếp nghĩ, nếp làm của nông dân? Không trồng lúa được thì phải chọn cây gì thích hợp để đưa về cho bà con nông dân luân canh, xen canh trên những mảnh đất ấy? Bên cạnh đó, nâng cao năng suất lúa là một vấn đề lớn trăn trở trong từng vụ, trên từng cánh đồng và trong từng hội nghị ở huyện, ở 17 xã và ở thị trấn.

    Trong những năm đến, phấn đấu khai thác hết diện tích, không ngừng nâng cao năng suất, đưa sản lượng lúa cả năm vượt ngưỡng 100.000 tấn là mục tiêu lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phù Cát.

    Một số giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng cây lúa Phù Cát:

    Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công trình hồ đập, kênh mương thủy lợi, không ngừng tăng thêm tính chủ động, đầy đủ của nguồn nước;

     Thứ hai: Chuẩn bị và thực hiện tốt khâu chọn giống, đảm bảo cung ứng đầy đủ giống lúa nguyên chủng, giống cấp một đến người nông dân trực tiếp sản xuất; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lấy lúa thịt làm giống gieo sạ;

     Thứ ba: Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con không gieo sạ trước lịch thời vụ, gieo sạ ngoài kế hoạch. Kiên quyết không để tình trạng trôi mất giống do gieo sạ sớm gặp lũ muộn trong vụ Đông Xuân;

    Thứ tư: Có kế hoạch sản xuất cụ thể hơn, phù hợp hơn cho từng vụ đối với ba vùng khác nhau của huyện;

     Thứ năm: Tiếp tục nâng cao và nhân rộng các mô hình luân canh, xen canh; tạo điều kiện tốt nhất để nông dân sớm tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thực tế sản xuất;

    Thứ sáu: Tăng cường trách nhiệm của cán bộ khuyến nông đồng thời nâng cao tính chủ động của nông dân trong phòng trừ sâu bệnh, nhất là các loại bệnh thường xảy ra trên địa bàn đồng ruộng Phù Cát;

    Thứ bảy: Cần có sự nhất quán, xuyên suốt giữa nhà lãnh đạo, nhà chuyên môn và nhà nông. Củng cố và tăng cường uy tín, vai trò cán bộ xóm, thôn, xã trong công tác sản xuất nông nghiệp; phát huy mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền cơ sở với người dân, giữa cán bộ với việc canh tác tại địa phương mình phụ trách.


Tin nổi bật Tin nổi bật