A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển Quy Nhơn tương xứng thành phố trung tâm cấp vùng

Tại Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng (ngày 23/9/2013), đến năm 2025 Quy Nhơn trở thành một trong các đô thị trung tâm có nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch, đến năm 2035 là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, đến năm 2050 có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Để đạt được nhiệm vụ phát triển này là một thách thức lớn đối với tỉnh Bình Định.

Để quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn 2050 theo nhiệm vụ yêu cầu đề ra cần có sự đánh giá đúng thực trạng về tình hình phát triển của Quy Nhơn kể từ đồ án quy hoạch năm 2004 đến nay.

Từ khi hình thành đến nay, Quy Nhơn được biết đến là một thành phố biển là một đô thị trung bình của khu vực miền Trung. Đô thị Quy Nhơn nằm trên một thế đất eo hẹp giữa biển và những dãy núi cắt ngang. Quỹ đất phát triển đô thị rất ít. Khu vực trung tâm chưa có điểm nhấn đô thị, các công trình lộn xộn, nhà ở thấp tầng không có tính mỹ quan cho một đô thị hiện đại. Chính sự thiếu thốn về quỹ đất phát triển đô thị, Quy Nhơn đang phát triển dần vào phía bắc theo kiểu dân cư hai bên đường.

Kết cấu hạ tầng cũng là một vấn đề lớn đặt ra trong phát triển đô thị Quy Nhơn. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho rằng, kết cấu hạ tầng tuy đầy đủ nhưng còn nhiều mặt chưa hoàn thiện. Sự liên kết với đường bộ quốc gia, đường cao tốc BắcNam, đường sắt với giao thông đô thị thực sự chưa thuận tiện. Mạng lưới đường đô thị có nhiều đường phố mặt cắt đường quá nhỏ. Các đầu mối giao thông quan trọng chưa thực sự là động lực góp phần phát triển đô thị. Tốc độ đô thị nhanh trong khi công tác chuẩn bị xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp.

Do yếu tố địa hình và tình trạng ngập lũ trong vùng nghiên cứu cho thấy rằng Quy Nhơn có diện tích đất thực sự để xây dựng là rất ít cho nên không phù hợp với phát triển đô thị lớn mà chỉ phù hợp cho việc phát triển mạng lưới đô thị nhỏ.

Mặt khác việc xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội trên một bán đảo biệt lập có diện tích lớn hơn nội thành. Sự dàn trải đô thị dẫn đến sự phân tán nguồn lực đầu tư. Chi phí đầu tư hạ tầng sẽ tăng, hệ thống kết nối đô thị sẽ tăng làm giảm hiệu quả kinh tế. Hiện nay đô thị Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội phát triển chưa có sự cộng sinh, hỗ trợ lẫn nhau, dung chứa lẫn nhau. Phải có một nhạc trưởng phối hợp hài hòa cả hai lại với nhau trong chiến lược phát triển.

Với lợi thế về kinh tế biển, tuy nhiên Cảng biển của Quy Nhơn có số lượng hàng vượt công sức thiết kế trong khi đó quỹ đất để mở rộng phát triển gần như không có… Đó là tất cả những thực tại đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Quy Nhơn. Nếu không có bài toán giải quyết đến vấn đề này thì giữa phát triển đô thị và phát triển kinh tế sẽ tách rời nhau, không gắn kết nhau và không tạo được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm nhận vai trò là thành phố trung tâm cấp vùng là một trong những thách thức mới đối với phát triển đô thị của Quy Nhơn. Để đạt được điều này đòi hỏi Quy Nhơn cần phải mở rộng không chỉ về mặt không gian đô thị mà còn phải có sự thay đổi lớn về mặt cấu trúc đô thị sao cho mang tính phát triển bền vững toàn diện.

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh - Viện Kiến trúc đô thị nông thông quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng: Cần khẳng định mô hình thành phố vùng hiệu quả cho Quy Nhơn. Không phải dàn trải đô thị ra một mảng rộng vô biên. Bởi trước mặt là sự biến đổi khí hậu, dưới chân là vùng rốn lũ thì một cơ thể khủng long sẽ không thể tồn tại bền vững.

Theo Xây Dựng Online 


Tin nổi bật Tin nổi bật