A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tây Sơn: Khởi động lộ trình xóa lò gạch nung thủ công

Hiện tại, trên địa bàn huyện Tây Sơn có 942 lò sản xuất gạch ngói (SXGN), trong đó có 930 lò gạch nung thủ công, tập trung chủ yếu tại xã Bình Nghi với 474 lò, xã Tây Xuân 253 lò… Vừa qua, UBND huyện Tây Sơn đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch nung thủ công trên địa bàn huyện.

Một lò SXGN bằng đất sét nung thủ công ở Tây Sơn. Ảnh: HOÀNG CHI

Lộ trình cụ thể

Thực hiện NQ số 25 ngày 11.12.2013 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt SXGN đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh, ngày 20.12.2013, UBND huyện Tây Sơn đã ban hành chính sách hỗ trợ để chấm dứt hoạt động SXGN bằng lò nung thủ công.

Lộ trình sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến hết tháng 12.2014, đối với các lò SXGN nung thủ công nằm xen kẽ trong khu dân cư (khoảng 95 lò), các doanh nghiệp (DN), chủ cơ sở phải chấm dứt hoạt động sản xuất, chuyển đổi công nghệ và phải đưa vào cụm công nghiệp (CCN) để sản xuất hoặc chuyển đổi nghề, tháo dỡ cơ sở sản xuất, trả lại đất cho Nhà nước quản lý hoặc cá nhân sử dụng đất đúng mục đích. Đến ngày 31.12.2015, đối với các cơ sở SXGN nung thủ công nằm ngoài khu dân cư hoặc các điểm sản xuất tập trung (khoảng 400 lò), các DN, chủ cơ sở phải chấm dứt hoạt động sản xuất, chuyển đổi công nghệ, đưa vào CCN sản xuất hoặc chuyển đổi nghề, tháo dỡ cơ sở sản xuất, trả lại đất cho Nhà nước quản lý. Hạn cuối cùng đến 31.12.2016 toàn huyện sẽ chấm dứt hoạt động đối với tất cả các lò gạch nung thủ công còn lại.

Để thực hiện đạt kết quả lộ trình đề ra, trước mắt trong năm 2014 này các địa phương trên địa bàn huyện phải tổ chức tháo dỡ 95 lò, trại nằm trong khu dân cư (Bình Nghi 60 lò, Tây An 20, Bình Tường 11, Tây Vinh 3 và Bình Thuận 1 lò). Ông Nguyễn Kế Lộc, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Sơn, cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, đến nay các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt lộ trình đề ra. Phòng cũng đã gửi đầy đủ các loại biểu mẫu, tờ khai để các địa phương và hộ sản xuất kê khai đúng yêu cầu.

Còn nhiều băn khoăn

Ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, cho rằng: Đến giờ này, nhân dân địa phương đã hiểu rõ chủ trương xóa bỏ SXGN nung thủ công nên việc triển khai thực hiện lộ trình có thuận lợi, nhưng địa phương lo lắng trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ nảy sinh một số vấn đề cần giải quyết sao cho công bằng, hợp lý. Gần đây, nhân dân nắm được chủ trương nên sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất và đang chờ chính sách hỗ trợ của huyện. Nhưng chỉ hỗ trợ tháo dỡ lò, còn lán trại thì sao? Việc thống kê danh sách cũng chưa sát. Còn những lò liền kề ngoài khu dân cư phải xử lý thế nào?

Một số địa phương khác cũng bày tỏ lo lắng về số liệu thống kê danh sách chưa sát với thực tế, chẳng hạn như nhiều cơ sở sản xuất tại một số nơi chưa được công nhận là CCN, nhưng thống kê sổ sách của huyện lại tính nằm trong CCN, nên việc xác định thời điểm tháo dỡ chưa được rõ ràng. Theo ông Đào Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, trước đây huyện có chủ trương hình thành CCN Trường Định, nhưng hiện nay vẫn chưa có quyết định công nhận CCN, do vậy việc công nhận CCN phải được xác định rõ ràng để giải quyết tháo dỡ lò trại đúng theo lộ trình đề ra.

Tại xã Tây An, hiện chỉ có CCN Rẫy Ông Thơ đã được công nhận nên các cơ sở sản xuất tại đây được tính nằm trong CCN, còn tại khu vực sở Ba Tơ chưa được công nhận CCN nên cần xác định lại địa điểm đối với các cơ sở sản xuất tại vùng này. Ông Võ Thành Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Tây An, cho biết, Tây An có 26/46 lò được gọi là nằm trong CCN, nhưng thực tế CCN chưa được công nhận. Do vậy nên gọi 26 lò SXGN trong khu tập trung và số lò này cần phải giải quyết vào năm 2015 theo lộ trình khu sản xuất tập trung, chứ không đợi đến năm 2016.

Theo lộ trình xóa bỏ SXGN nung thủ công đã được triển khai cho thấy nhiều cơ sở vẫn còn được duy trì sản xuất đến năm 2016. Tuy nhiên bất cập hiện nay là hầu hết các giấy phép khai thác đất sét ở các địa phương đã không còn hiệu lực, nhưng sản xuất thì vẫn còn được duy trì nên việc lấy đất sét đang diễn ra rất phức tạp. Ông Đào Văn Sang cho biết: Do không có giấy phép khai thác đất sét nên hiện nay tình trạng khai thác đất sét trộm ở địa phương đang diễn ra phức tạp, bên cạnh đó nhiều chủ lò gạch ngói đến tận nhà dân để mua đất sét trong vườn nhà của họ để SXGN, gây nhiều búc xúc.

Sẽ thực hiện quyết liệt

Nhìn chung, việc xóa bỏ lò SXGN nung thủ công trên địa bàn huyện Tây Sơn có thuận lợi là nhân dân đã nắm bắt rõ chủ trương của Chính phủ và của địa phương, song để thực hiện đạt yêu cầu và đúng lộ trình đề ra không đơn giản.

Theo ông Đỗ Văn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn: Để thực hiện tốt lộ trình, đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho dân thông suốt việc xóa bỏ lò thủ công là cần thiết. Trách nhiệm của xã phải vào cuộc ngay, phổ biến cho dân địa phương biết rõ lộ trình. Xã thành lập Ban chỉ đạo xã và phải xây dựng kế hoạch của địa phương thì mới đảm bảo đúng thời gian được. Về đối tượng di dời, trong năm 2014 số lò trong khu dân cư phải xóa sạch. Đến năm 2015 giải quyết trong khu sản xuất tập trung (kể cả khu vực sở Ba Tơ ở Tây An). Xã Bình Hòa cũng phải triển khai trong năm 2015 vì chưa có QĐ công nhận CCN nên không đợi đến 2016. Về tháo dỡ lò trại, nếu đất của dân, nếu họ tháo dỡ lò mà còn trại, mà trại đó nằm trên đất của họ thì họ để sao để, nhưng đất nhà nước thì phải trả lại mặt bằng. Trong năm 2014 quyết tâm xóa bỏ dứt điểm 95 lò nằm trong khu dân cư.

UBND huyện Tây Sơn cũng đã có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt phương án tận thu đất sét để các cơ sở có điều kiện sản xuất theo lộ trình. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có kết luận về phương án của huyện Tây Sơn xin cải tạo đồng ruộng để tận thu đất sét phục vụ SXGN. Theo đó, huyện sẽ tiến hành khảo sát tìm các mỏ đất sét mới tại các vị trí gò, đồi và tại các địa điểm khác không phải đất ruộng để tạo vùng nguyên liệu; không khai thác đất sét tại đồng ruộng…

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật