A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung phòng, chống giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ suối và lũ quét trong mùa mưa lũ năm 2023

Ngày 06/9/2023, UBND huyện ban hành Văn bản số 1451/UBND-KTN về việc tập trung phòng, chống giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ suối và lũ quét trong mùa mưa lũ năm 2023 trên địa bàn huyện.

Thực hiện Văn bản số 6240/UBND-KT ngày 29/8/2023 của UBND tỉnh Bình Định về việc tập trung phòng, chống giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét trong mùa mưa lũ năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND huyện đề nghị Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các phòng, ban, ngành và đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Giao Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn
a. Trước mắt, triển khai thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho Nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét, cụ thể như sau:
- Đối với các khu vực đã xuất hiện và phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
- Dự phòng lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở để ổn định đời sống cho các hộ gia đình bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh; không để người dân thiếu đói, chịu rét lạnh và không có chỗ ở.
- Tiếp tục tổ chức rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, nhà máy, xí nghiệp... Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng để người dân nhận biết các dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của Nhân dân trong việc ứng phó. Đặc biệt chú ý tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
b. Về lâu dài:
- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, gần hành lang bảo vệ đê kè, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để theo pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vùng ven đê); hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản cát, đất, đá trái phép để hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng tại địa phương.
- Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của Nhân dân.
2. Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện
Tuyên truyền, phổ biến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác được cấp phép hoạt động trên địa bàn huyện.
3. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện
- Kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho các công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi do huyện quản lý. Tổ chức, hướng dẫn thực hiện bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, khai thác, vận hành công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi do huyện quản lý.
- Hướng dẫn, đôn đốc UBND xã, thị trấn thực hiện bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối trên địa bàn.
4. Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, sử dụng công trình giao thông, dân cư nông thôn, khu đô thị và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trong huyện.
- Rà soát, kiểm tra các tuyến đường huyện; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu và cập nhật vào phương án ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn huyện.
- Tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân kỹ thuật chằng chống, neo giằng bảo đảm an toàn công trình xây dựng, nhà cửa khi xảy ra bão, mưa lớn, lũ lụt.
- Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện, trong đó có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai. Phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan trong công tác thẩm định quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền.
5. Đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự huyện
- Tham mưu cho UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn huyện tổ chức ứng phó hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai theo kế hoạch hiệp đồng.
- Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra do thiên tai.
6. Đề nghị Công an huyện
- Rà soát lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần; cập nhật phương án ứng phó bảo đảm an ninh, trật tự các vùng xảy ra mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa huyện.
- Phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện kịp thời sơ tán dân khi có tình huống xảy ra do thiên tai.
7. Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện, các đài truyền thanh của xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, ứng phó thiên tai cho người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại.
8. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành, đơn vị triển khai công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
9. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện văn bản này; kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND huyện xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn huyện.


Nguồn:tayson.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật