Chiều chiều vịt lội bàu sen
Nuôi vịt trên sông La tinh.
Cụng một ly, anh cười hềnh hệch, thưa chư huynh sở dĩ đệ gọi món “ông nọ bà kia” cho ra quan cách sang trọng vì Vịt Cồ ghen với Gà Trống đời đời kiếp kiếp, ghen nhau kinh khủng khiếp còn hơn Thủy Tinh ghen với Sơn Tinh. Có tích rằng nhà Vịt có đám giỗ, vì tình làng nghĩa xóm Vịt chồng sai vịt vợ qua mời gia đình bác Gà cách một con mương. Gà Trống nhận lời nhưng vì không biết bơi nên đứng trên lưng thím Vịt Mái chở qua giùm. Vịt Cồ ra bến đón, thấy cảnh gã hàng xóm hả hê tung tăng trên lưng vợ mình, bèn đá thúng đụng nia, dùng ngôn ngữ cạc cạc liên hồi để rủa sả gã Gà Trống mất dạy! Từ đó, Vịt Mái đẻ trứng, Vịt Cồ không chịu cho ấp mà phải nhờ bác Gà Mái ấp giùm! Ấp xong, Gà phải lo dắt đi ăn, nuôi dưỡng bảo bọc qua thời thơ ấu. Cái câu “Mẹ Gà con Vịt chít chiu- Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng” ra đời từ đây. Anh Hai kể tới đây, quan khách cười rần rần bẻ bánh tráng rôm rốp, ngắt rau thơm, vắt chanh vào đĩa tiết canh “ông nọ bà kia!”.
Ly tiếp theo, qua món gỏi vịt, anh Hai e hèm rồi hỏi thưa các bậc quân tử, có thấy kẻ vô danh tiểu tốt này rõ mặt lực điền nơi đồng ruộng và hảo hớn chốn võ lâm không? Cả hội ầm ào đồng thanh ô kê, anh đã "lục thập nhi nhĩ thuận" rồi mà cơ bắp cuồn cuộn, nước da đỏ như đồng hun, bọn thư sinh hai mươi chưa chắc đã bì được. Anh sụt sịt nói hồi nhỏ tiểu tốt khổ lắm, vừa chăn vịt thuê vừa say mê học lỏm các món võ cá trê, cá lóc, gà chọi, trâu húc…Nói chung tiểu tốt là hậu duệ chàng Lía, tháng ba mươi ngày xơi ba chục cái đùi vịt thơm ngát mũi! Hỏi sao sướng vậy, anh giải trình rằng bởi ông chủ vịt quan liêu, mỗi đêm ra lệnh cho tiểu tốt hầm cho ông một con vịt để đủ sức cầm cự với bà bồ nhí “thơm như múi mít”. Tiểu tốt đợi vịt ngủ, mà con vịt ngủ đứng có một chân, kéo ông ra xem chỉ con vịt nào. Ông chỉ con vịt mốc mập ù, hầm xong tiểu tốt xơi trước một đùi, xong bưng lên ông khuơ đũa hỏi sao mất đâu một chân. Tiểu tốt nói thì tận mắt ông chỉ con vịt đứng một chân, làm thịt ngay, sao mọc chân nữa cho kịp, mà giờ còn truy vấn! Ông khen tiểu tốt thông minh, đương nhiên từ đó về sau ông không thắc mắc con vịt có mấy chân nữa! Cả chiếu rượu nắc nỏm khen anh Hai Đất Võ “cao kiến, cao kiến!”.
Nổi hứng, anh Hai rót rượu tiếp, bảo chưa hết chưa hết, có hôm tui muốn ăn đầu cổ cánh, tui giả tiếng chồn, vịt sợ thụt đầu vào trong cánh, tui chỉ ông chủ xem chỉ thấy cái mình trụi lủi, mà đã xem thấy bao nhiêu thì chừng ngả ra mâm bát cũng bấy nhiêu! Có lần nhà ông chủ làm đám, ông chủ lệnh mổ một con bò đãi bạn. Ông chủ có chiến hữu thì tiểu tốt cũng có bạn mục đồng, tiểu tốt cũng nghĩ cách đãi bạn bè áo vá cơm độn của mình. Tui bèn dắt ông ta đi xem bò, lúc đi tui giả tiếng “bép bép” sau “cà um cà um” của cọp, mà giống bò thường nhát gan nghe cọp là tởn, nép mình lại, co đầu rụt cổ. Anh Hai Đất Võ khẳng định, tiếng Anh tiếng Pháp anh còn lõm bõm chứ “ngoại ngữ thú rừng”, nai chồn voi cọp gì anh cũng rành, giả đủ thứ tiếng. Và bữa đó, anh mổ bò nhưng giao phần đầu cho đám bạn mục đồng, ông chủ hỏi đầu bò đâu, anh trả lời rằng bò sợ cọp, đầu chui vào mình mất tiêu rồi! Cả hội xổ ra những tràng cười khoái trá khen anh Hai Đất Võ quá tuyệt chiêu tuyệt chiêu, đúng là hậu duệ người anh hùng áo vải Truông Mây!
Cả bọn uống trót trót. Sang phần cháo vịt, anh Hai kể chuyện “Dzịt ăn đỗ phộng” (Vịt ăn đậu phụng), đại khái thời bao cấp có ông già ở quê lên thành phố thăm con, xách theo con vịt cỏ béo ú gọi là chút quà cây nhà là vườn nhằm bồi dưỡng sức khỏe cho gia đình cô con gái rượu. Mới nửa buổi, con và rể còn làm việc ở cơ quan chưa về, ông xịnh rịnh không biết đi đâu, bèn mua một cái vé vào rạp xem phim cho vui. Chuyện khó là không biết gửi con vịt ở đâu, để dưới chân sợ người ta giẫm, ôm trong lòng thì mỏi tay, suy đi tính lại ông bèn cho vào quần, mở cúc cho con vịt ngẩng cao đầu đầu lúc lắc hít thở. Hồi ấy quần rộng thùng thình, cúc kiếc bung biêng, sáng kiến kẹp vịt giữa hai đùi để thảnh thơi xem phim, ông già cho là tuyệt diệu, tự thưởng một gói đậu phụng da cá ngồi nhai cho thơm miệng. Xòe bàn tay trước mặt cầm đậu phụng, thỉnh thoảng ông bốc một hạt, con vịt cũng ngỏng cổ mổ một hạt! Không ngờ, trong ánh sáng mờ ảo của rạp phim, một bà sồn sồn ngồi cạnh ông già này, ngó thấy bỗng té xỉu! Anh em bảo vệ thất kinh vực bà dậy, xoa dầu đánh gió, bà cứ run cầm cập, ú ớ rằng tui sáu mặt con rồi, từ hồi mới lấy chồng đến ngày bạc tóc hôm nay chưa thấy cái con đó nó ăn đỗ phộng bao giờ! Nghe đến đây, cả mâm rượu cười …rung phao câu, anh Hai nói, các đại ca ơi, ông già đó là cha đẻ của tại hạ đây, còn vợ chồng cô gái trên thành phố mà ổng lên thăm là em gái và em rể tại hạ, chuyện thiệt trăm phần trăm đó!
Chuyện cười còn vương đầy trên môi quan khách, anh Hai tiếp tục rót rượu và rưng rưng than rằng nghĩ tội con vịt, nó cho mình đủ thứ món ngon mà mình xử quá tệ với nó, thí dụ cha mẹ nói con cái không nghe thì la “nước đổ đầu vịt”, báo chí đưa tin thất thiệt cũng đổ tội là “tin vịt”, người nọ chê người kia đi đứng chậm chạp cũng lôi nó vào “lạch bạch như vịt”, đàn ông bị đàn bà mắng không cãi được cũng ví "ngẩng tò te như vịt đực!"…Rồi anh Hai tâm sự tiếp rằng con gái anh, lấy chồng người Pháp, về anh đãi món “hai sống một chín” nổi danh đất võ, cô có ý không muốn, sự chồng nó chê dở! Anh chửi dở cái đầu cha mày, món này ông nội mày ăn mới đủ năng lượng đẻ ra tao, tao ăn mới đủ sức đẻ ra mày đó, mà mày còn nói trớt quớt! Món “hai sống một chín” gồm hai cái bánh tráng sống nhúng nước, kẹp một cái bánh tráng nướng vào giữa, xong cho rau thơm vào, giữa rau là cái hột vịt luộc bẻ đôi, hoặc miếng chả trứng, ít nem nướng, bò thưng, xong cuốn lại, cuốn nhỏ cũng cỡ cái chày đâm tiêu, cuốn lớn cũng em em cái chày giã gạo! Xong chấm vào tô nước mắm ớt tỏi! Ăn vậy để nạp nhiên liệu luyện cước tập quyền, đánh Tàu phá Tây, vậy mà bây giờ con gái rượu của tại hạ nó cứ bảo nên “nhỏ nhắn, tinh tế”, đừng chém to kho mặn nẫu quở! Vậy mà tại hạ đãi thằng rể Tây của tại hạ hoài hoài, càng ăn càng ghiền đó mấy anh ạ, con gái tại hạ chầu rày dị với ông già, xin lỗi rồi!
Cuộc rượu đang ngon trớn, bỗng nghe chị Hai đưa võng sau nhà hát ru cháu ngoại: “Chiều chiều vịt lội bàu sen…”, anh em im lặng nuốt từng lời, quá thấm thía! “Bài ca áo rách” này tương ứng với “Hôm qua tát nước đầu đình- Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…” tuy đổi giọng ra kiểu "nói cho lắm cũng hổng bằng nước mắm chấm dưa cải - nói cho phải cũng hổng bằng dưa cải chấm nước mắm”: “Chiều chiều vịt lội bàu sen- Để anh lên xuống cho quen với nàng- Áo anh sứt sổ bùng sàng- Cậy ai mua vải vá quàng về khâu- Kim đồng kim sắt kim thau- Ai mua chỉ tàu vá áo mau xong- Vá rồi anh sẽ trả công- Mai mốt có chồng anh giúp cho nghe- Giúp cho giạ đỗ giạ mè- Một cân tiêu sọ một ghè nghệ khô- Giúp cho cái ấm cái ô- Cái siêu sắc thuốc cái bồ đựng than- Giúp cho một mụ nuôi nàng- No ngày khẳm tháng thì chàng viếng thăm”. Nếu trong bài ca cổ điển tài hoa xứ Bắc đẩy đưa tới mức các lễ vật dẫn cưới “quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới” , thì anh con trai đất võ giảm hẳn chút lấp lửng duyên dáng, gia vị đầy khí chất thật thà bộc trực, đã đẩy đưa thẳng tiến đến kỳ nở nhụy khai hoa!
Bài và ảnh: Trà Bàn