Chính sách giảm nghèo: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp
Theo báo cáo, năm 2013, tỉnh ta đã có trên 23.000 lượt hộ được vay vốn ưu đãi, với tổng kinh phí trên 534 tỉ đồng; có 23.500 lao động được đào tạo; cấp trên 124.200 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; miễn giảm học phí cho 64.964 trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên theo Nghị định 49/NĐ-CP; xây dựng 208 nhà ở cho hộ nghèo… Các chính sách về phát triển rừng, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu lao động, hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, chính sách y tế, kế hoạch hóa gia đình… đều đạt nhiều kết khả quan. Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh còn 39.686 hộ nghèo, chiếm 9,85% (giảm 1,77% so với năm 2012). Năm 2014, tỉnh ta phấn đấu tạo việc làm mới cho 24.500 lao động, dạy nghề cho khoảng 25.000 lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 44%; đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách thực hiện giảm nghèo, góp phần giảm 1,8% tỉ lệ hộ nghèo (so với năm 2013).
Tỉ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 7,8% (năm 2013), bình quân tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 80/NĐ-CP ngày 19.5.2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020. Tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo hơn 869 tỉ đồng. Chính phủ cũng tập trung nguồn lực đầu tư cho các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, cả nước phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống thêm 2% (từ 7,8% xuống còn 6%). Quốc hội, Chính phủ đã bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2014 là 6.242 tỉ đồng./.
K.Y