A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 11/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, công tác phòng chống dịch Covid-19 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long; lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo: Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ngành có liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đứng trước các khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt gần 68% dự toán và tăng tới 15,6% so với cùng kỳ năm 2020; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tốt trong điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 185,3 tỷ USD, tăng 25,5%. Đặc biệt, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 ở một số địa phương tuy có ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án nhưng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách vẫn tăng 5,6%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy giảm về số dự án nhưng vẫn tăng 7% vốn đăng ký và tăng 3,8% về vốn thực hiện. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,8% về số lượng và tăng 13,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng hồi phục nhanh và tạo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm là rất khó khăn nếu diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khó lường như hiện nay. Đặc biệt, những thách thức từ bên ngoài như nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất đang thiếu hụt; giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế chung của đất nước năm 2021.

Nhất trí với quan điểm, mục tiêu, các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm Chính phủ đề ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt, có các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả hơn. Tiếp tục bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Đẩy nhanh tiến độ tiêm và mở rộng đối tượng tiêm vắc xin cho nhân dân; tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; có chính sách toàn diện phòng chống dịch trong các khu, cụm công nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc gia.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa; giải pháp cung ứng nguồn lao động, vốn cho các doanh nghiệp sau đại dịch. Mở rộng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; hỗ trợ, giảm giá điện, nước cho người dân, doanh nghiệp.

Tại tỉnh Bình Định, dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, liên tục có các ca nhiễm mới được ghi nhận tại tỉnh, chủ yếu là người từ vùng dịch về địa phương. Một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh đó, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế chịu tác động mạnh, làm chậm đà tăng trưởng chung. Điều đáng mừng là với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, nhiều chỉ tiêu kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng: chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,92% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đầu năm đạt 43.810 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ; Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2021 đạt 92,1 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 8.094,2 tỷ đồng, đạt 76,6% dự toán năm, tăng 45,9% so với cùng kỳ. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn. Nông dân trong tỉnh bắt đầu thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Tổng sản lượng thủy sản 7 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 154.910,2 tấn. Công tác giải ngân vốn đầu tư được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, các dự án lớn vẫn duy trì tiến độ.

Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành triển khai nhanh chóng Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện nhiều chương trình trao tặng quà cho những người yếu thế, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19 những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và những khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước, việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là thách thức lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã đề ra. Trong  đó, trước hết ưu tiên hàng đầu là tăng cường các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân; tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, sẵn sàng phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện, cơ hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, phân phối, lưu thông hàng hoá và các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, sắp xếp lại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương; quan tâm các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đi đôi với phát triển văn hoá, giáo dục; tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân, cùng Chính phủ quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid -19 và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra./.

TL


Tin nổi bật Tin nổi bật