A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án trồng rừng KfW6: Hiệu quả về nhiều mặt

Dự án (DA) Khôi phục và quản lý rừng bền vững (còn gọi là DA KfW6) do Chính phủ Đức tài trợ vốn được triển khai tại tỉnh ta từ năm 2006. DA này đã thu hút khá đông hộ dân tham gia, đạt hiệu quả về lâm sinh, đa dạng sinh học, góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Rừng trồng ở xã Hoài Đức- huyện Hoài Nhơn. Ảnh: TIẾN SỸ


Mục tiêu của DA nhằm khôi phục và quản lý bền vững các diện tích rừng ở những nơi có nguy cơ bị đe dọa về sinh thái; quản lý bền vững rừng thứ sinh, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, tạo việc làm cho người dân. Tổng kinh phí đầu tư cho DA là 12,3 triệu Euro, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức là 9,715 triệu Euro. Thời gian thực hiện trong 9 năm, từ 2005 đến 2013, 6 năm đầu tổ chức trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ và 3 năm hậu DA.

 

Bình Định là 1 trong 4 tỉnh của khu vực miền Trung được Bộ NN-PTNT chọn tham gia thực hiện DA KfW6. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã đăng ký khôi phục và quản lý bền vững khoảng 22.700 ha rừng ở những nơi có nguy cơ đe dọa về môi trường sinh thái, và quản lý bền vững khoảng 10.000 ha rừng thứ sinh, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm ổn định cho khoảng 15.000 hộ nông dân, đảm bảo thu nhập thường xuyên thông qua việc khai thác các sản phẩm dưới tán rừng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 huyện tham gia DA là Hoài Nhơn, Hoài Ân và Tây Sơn. Trong các năm từ 2006 - 2013, tổng diện tích rừng dự án được thực hiện là 11.703 ha. Trong đó, diện tích trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh hơn 9.130 ha; diện tích rừng quản lý cộng đồng 2.573 ha.

 

Để có được kết quả trên, ngay từ khi triển khai thực hiện DA, Chi cục Lâm nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT) đã đưa nhiều giống cây lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng địa phương, có giá trị kinh tế cao, như cây sao đen, lim xanh, keo lai, keo lá tràm, mây nếp, dầu rái, dó trầm, xoan ta, bời lời… để trồng xen ghép trong rừng phòng hộ; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng. Nhờ vậy, các địa phương đã hình thành được những cánh rừng đa dạng sinh học, vừa góp phần phòng hộ đầu nguồn, vừa giúp cho người dân có thu nhập ổn định từ việc khai thác tận dụng các loại gỗ tạp và các sản phẩm dưới tán rừng.

 

Thời gian qua, Ban quản lý DA đã triển khai thực hiện 4 mô hình quản lý rừng cộng đồng với tổng diện tích 2.573 ha. Trong đó, huyện Hoài Nhơn thực hiện 1 mô hình tại thôn Định Bình Nam, xã Hoài Đức, diện tích 1.708 ha; huyện Tây Sơn thực hiện 3 mô hình tại xã Tây Thuận và Tây Phú, tổng diện tích 847 ha.

 

Qua đánh giá kết quả triển khai các mô hình quản lý rừng cộng đồng triển khai tại các địa phương, hầu hết đều mang lại hiệu quả thiết thực. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng được thuận lợi, chính quyền địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng thôn quản lý, mỗi mô hình thành lập tổ quản lý, bảo vệ rừng từ 8 đến 10 người. Sau khi được Nhà nước giao rừng, người dân địa phương đã phát huy quyền làm chủ của mình trong công tác tự quản lý, giám sát, bảo vệ rừng một cách có hiệu quả hơn. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được triển khai khá tốt; ngăn chặn được tình trạng khai thác gỗ, củi trái phép tại địa phương...

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật