A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020

(binhdinh.gov.vn)-Sáng nay (29.3), tại TP Quy Nhơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 để đánh giá kết quả thực hiện năm 2018 và kế hoạch triển khai năm 2019. Dự hội nghị có lãnh đạo 12 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Về phía tỉnh Bình Định dự hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu và lãnh đạo các sở, ngành và địa phương có rừng trong tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho biết: Sau 3 năm (2016 - 2018) thực hiện Chương trình đã có 4/16 nhiệm vụ đã về đích trước 2 năm so với nhiệm vụ đề ra gồm: Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; năng suất rừng trồng bình quân hằng năm; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống và tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành. Có 5/16 nhiệmvụ đạt trên 90%. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ước đạt hơn 41,6%, tăng 0,2% so năm 2017. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 32.022 tỷ đồng, tăng 6,09% so năm 2017. Trong năm, các địa phương đã trồng được 231.520 ha rừng tập trung, đạt 118,7% kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt gần 9,4 tỷ USD, tăng 15,9% so với 2017. Sản lượng khai thác gỗ năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, đáp ứng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu hơn 7 tỉ USD của các loại lâm sản chính.

Năm 2019, chương trình đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%, tăng thêm 0,2% so năm 2018, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 10,5 tỷ USD, đồng thời tiếp tục duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu tại hội nghị

Tại Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, hiện diện tích đất có rừng là hơn 350.000 ha, trong đó hơn 216.000 ha rừng tự nhiên và hơn 134.000 ha rừng trồng. Độ che phủ rừng hiện đạt trên 54%. Trong thời gian qua, tỉnh đã tâp trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chỉnh phủ, qua đó đã đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia phát triển lâm nghiệp bền vững, giải quyết việc làm cho bộ phận lớn lao động địa phương, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái. Nghề gỗ và lâm sản đóng góp tỷ lệ cao trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tạo việc làm cho 26.000 lao động.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá: năm 2018, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, được đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tiếp tục thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội; đồng thời, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro, thiên tai. Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, sản xuất lâm nghiệp còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục có hiệu quả như: vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, quỹ đất trồng rừng ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách được bố trí không tương xứng. Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững được bố trí thấp so với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế; đặc biệt là các cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân tham gia phát triển rừng còn chưa thực sự hiệu quả. Giá trị xuất khẩu lâm sản tuy tăng mạnh nhưng tính bền vững và khả năng cạnh tranh sản phẩm chưa cao,…

Năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương đóng của rừng tự nhiên; triển khai có hiệu quả Luật Lâm nghiệp, 4 Nghị định, 7 thông tư hướng dẫn thực thi Luật Lâm nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải tính toán kỹ, chỉ chuyển đổi khi thực sự cần thiết cho các mục đích, nhằm đạt lợi ích cao nhất cho người dân và cộng đồng. Việc chuyển đổi phải đi đôi với trồng rừng thay thế. Duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày về thông tin điểm cháy để kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, theo dõi diễn biến rừng. Đối với, các giải pháp thúc đẩy sản xuất, phát triển rừng cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt là phải chăm lo đến đời sống người dân liên quan đến rừng mà trong đó đồng bào dân tộc thiểu số phải được đặc biệt quan tâm. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải coi doanh nghiệp là trung tâm để tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Thúc đẩy các hình thức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đối với rừng sản xuất. Duy trì và mở rộng các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế. Làm được những điều này, mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản đạt từ 10,5 đến 11 tỉ USD hoàn toàn khả thi…Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị chậm nộp, không nộp tiền dịch vụ môi trường rừng…

THÙY TRANG


Tin nổi bật Tin nổi bật