UBND tỉnh họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2019 trên địa bàn tỉnh
Quang cảnh phiên họp
Theo báo cáo, trong quý I/2019, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 4.573 tỉ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 10.396 tỉ đồng, tăng 8,62% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 17.702 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 216 triệu USD, tăng 4% so cùng kỳ;… Ngoài ra, các hoạt động văn hóa – xã hội, thương mại, dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực, an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Đáng kể nhất là dịch vụ du lịch tiếp tục phát triển, tổng lượng khách du lịch đến Bình Định trong 3 tháng đầu năm nay ước đạt gần 1,14 triệu lượt, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt gần hơn 981 tỉ đồng, tăng 63,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 2.483 tỉ đồng, đạt 32,8% dự toán năm, tăng 40,9% so với cùng kỳ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh cho rằng vẫn còn những tồn tại như: chỉ số sản xuất công nghiệp có tăng nhưng chưa cao; thu hút đầu tư chưa được quan tâm chú trọng; công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm; ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng; khả năng cạnh tranh của một số doanh nghiệp còn hạn chế; hoạt động văn hóa – thông tin, thể dục – thể thao ở cơ sở còn bất cập; tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập vẫn còn cao; công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn nhiều hạn chế,…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng ghi nhận kết quả đạt được trong phát triển KT-XH quý I/2019 là rất khả quan; tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần được khắc phục. Trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH. Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ sản xuất. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành, địa phương chú trọng đôn đốc các biện pháp chống thất thu ngân sách, nhất là thu nội địa để đảm bảo nhu cầu chi theo kế hoạch. Đối với ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp quyết liệt để phòng ngừa dịch tả heo Châu Phi lây lan vào địa bàn tỉnh. Tính toán phương án hỗ trợ cho lực lượng túc trực tại các điểm, chốt kiểm tra vận chuyển gia súc và hỗ trợ cho người chăn nuôi. Ngành tài nguyên phối hợp với các ngành liên quan quy hoạch các điểm mỏ để phục vụ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh; đồng thời tăng cường quản lý, xử lý kiên quyết các trường hợp lấn chiếm đất đai xây dựng công trình, kiến trúc xây dựng trên đất lấn chiếm trái phép. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, sắp bước vào mùa cao điểm cần phải chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chèo kéo du khách và kiểm soát chặt chẽ việc bán vé vào các điểm du lịch... Đồng thời, các ngành cần chủ động phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lề lối làm việc; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân… Bên cạnh đó, Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải phát huy vai trò của mình trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng chính phủ điện tử trong cơ quan, đơn vị phục vụ nhân dân và ngày 01/04/2019, tỉnh sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh….
THÙY TRANG