A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh sẽ lập bản đồ “vùng xanh”, “luồng xanh” trong dịch Covid-19 nhằm góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhưng đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động cũng phải đảm bảo “4 an toàn”: công nhân an toàn, nhà máy an toàn, giao thông an toàn và nơi ở an toàn trong dịch Covid-19. Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sáng nay (12/8). Cùng chủ trì có đồng chí Nguyễn Phi Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện các Hiệp hội ngành nghề của tỉnh; các doanh nghiệp lớn trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bình Định.

Quang cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều thời gian lắng nghe các sở, ban, ngành, các hiệp hội ngành nghề của tỉnh và một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, phản ánh về những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cần được tỉnh quan tâm tháo gỡ. Những khó khăn vướng mắc chủ yếu bao gồm: Việc tìm kiếm nguyên liệu nhập khẩu, thu mua trong nước khó khăn do thiếu tàu, xe; Việc vận chuyển hàng hóa đối với các doanh nghiệp cung cấp nằm trong vùng có dịch; Cơ chế chính sách hỗ trợ lưu thông xe chở hàng hóa thiết yếu trong tỉnh còn nhiều bất cập do mỗi địa phương còn áp dụng chính sách khác nhau; Nhiều lao động trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến kế hoạch lao động, chi phí nhân công; mô hình sản xuất “3 tại chỗ” khó thực hiện, nếu kéo dài, có thể nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản. Trong khi đó, giá vận chuyển cước tàu, thuê container tăng gấp 3-7 lần và thiếu container, thiếu tàu làm cho xuất hàng, nhập hàng bị trễ nhiều ngày; giá vận chuyển trong nước tăng, giá các mặt hàng vật tư, vật liệu bao bì đều tăng cao, thời gian giao hàng chậm trễ; sản xuất 3 tại chỗ làm tăng chi phí về điện, nước, lãi vay, các chế độ lương và chăm lo ở ăn tại chỗ người lao động tăng nhiều; lại phải tốn thêm chi phí test nhanh kháng nguyên SARS- CoV-2 3 ngày/1lần cho người lao động… Đặc biệt, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận chính sách tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh nới lỏng các điều kiện phòng, chống chịch Covid-19 sao cho phù hợp với từng địa phương; không áp dụng 3 tại chỗ vì phần lớn doanh nghiệp không có đủ cơ sở vật chất thực hiện. Có doanh nghiệp kiến nghị cho người lao động đi làm dùng giấy đi đường do đơn vị cấp kèm kết quả test nhanh; ở khu vực chưa xuất hiện F0, việc đi lại của công nhân chủ yếu trên 1 tuyến đường với cự li ngắn thì áp dụng mô hình “2 tại chỗ, 1 cung đường”; Cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản, xét nghiệm mẫu gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại nhà máy nhằm giảm chi phí, thời gian và an toàn cho người lao động; bổ sung quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhất. Ngành y tế nên huấn luyện cho doanh nghiệp thực hiện y tế tại chỗ; đào tạo cho nhân viên y tế cơ quan để có thể thực hiện test nhanh tầm soát, sàng lọc tại doanh nghiệp; đồng thời, có cơ chế phối hợp giữa y tế cơ quan và y tế các địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh tập trung tiêm vắc xin dứt điểm cho người lao động tại các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, chuyển sang mô hình 5K và vaccine, giao quyền tự đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho doanh nghiệp. Kiến nghị UBND tỉnh thành lập Tổ xử lý nhanh vướng mắc cho các doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng để cập nhật xử lý khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, thường xuyên đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đại diện doanh nghiệp…

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan cấp tỉnh đã giải thích, trả lời những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp; đồng thời thông báo kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo đó, 7 tháng qua, Cục Thuế tỉnh đã giảm các loại thuế, phí và lệ phí hơn 74 tỷ đồng; gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất gần 381 tỷ đồng; hỗ trợ giải quyết hoàn thuế 1.359 tỷ đồng; và dự kiến trong 5 tháng cuối năm sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 30% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động SXKD quý III và quý IV năm 2021. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm so với đầu năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 69 doanh nghiệp với giá trị nợ 1.130 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 8 doanh nghiệp với giá trị 95 tỷ đồng; và cho vay mới đối với doanh nghiệp hơn 8.400 tỷ đồng. Điện lực Bình Định giảm giá điện và giảm tiền điện cho khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, các kho chứa hàng hóa, các cơ sở dùng cách ly, khám bệnh tập trung, xét nghiệm, điều trị đối với bệnh nhân nghi nhiễm và đã nhiễm Covid-19..., tổng số tiền ngành điện đã giảm hơn 144 tỷ đồng. Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bao gồm: “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”; “Hỗ trợ người lao động ngừng việc”; “Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp”; “Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất”, “Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí là tử tuất”.  Riêng ngành y tế Bình Định đã tập trung toàn lực phòng chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc hướng dẫn phòng chống và hỗ trợ kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp cũng như tại các địa phương; Hiện nay, Sở Y tế đang nỗ lực test nhanh tầm soát cộng đồng và thực hiện tiêm vacxin Covid-19 theo đúng quy định của Chính phủ.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những cố gắng của các sở, ban, ngành cấp tỉnh đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn; trong đó đã có sự quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra cho các doanh nghiệp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ những tổn thất và thấu hiểu những vướng mắc hiện nay của các doanh nghiệp, khẳng định chủ trương của lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành với các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm khó khăn. Trên tinh thần đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp; trong đó có việc khẩn trương lập bản đồ “vùng xanh”, “luồng xanh” trong dịch Covid-19 nhằm góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời có kế hoạch ưu tiên tiêm vacxin Covid-19 cho lực lượng công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong thời gian tới, khi Bộ Y tế phân bổ tiếp vacxin cho Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành 3 nhóm chính sách quan trọng để hỗ trợ các DN, đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, các cơ quan của Trung ương có liên quan đóng trên địa bàn tỉnh có sự phối hợp tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn hơn trong tình hình khó khăn của đại dịch để doanh nghiệp, người lao động sớm tiếp cận các gói hỗ trợ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh làm Tổ trưởng, cùng các thành viên đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh. Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước; tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp trình UBND tỉnh báo cáo với cơ quan Trung ương để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 do TW và tỉnh ban hành. Muốn an toàn để sản xuât thì doanh nghiệp phải chủ động, quyết liệt thực hiện. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp để yên tâm tổ chức sản xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc không đáng có gây trở ngại cho doanh nghiệp. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Trong khó khăn doanh nghiệp thì Nhà nước hỗ trợ nhưng doanh nghiệp phải làm đúng, không được lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi chính sách của Nhà nước.

TL


Tin nổi bật Tin nổi bật