|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội”: Khép lại và mở ra

Chiều 8.7, Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” chính thức khép lại sau 2 ngày làm việc hối hả nhưng đầy trách nhiệm. Nhiều thông tin đánh giá, nhận định và kinh nghiệm được chia sẻ qua 7 phiên thảo luận cho cái nhìn bao quát hơn về khoa học cơ bản (KHCB) với xã hội. Đồng thời, mở ra những hy vọng mới, không chỉ từ những kiến thức khoa học, mà còn từ sức bật của Gặp gỡ Việt Nam và hình thành ý tưởng về một tổ chức mới...

Sau 2 phiên thảo luận diễn ra hôm trước, ngày 8.7, Hội nghị quốc tế “KHCB và xã hội” tiếp tục với 5 phiên thảo luận về KHCB với hòa bình; khí hậu; sức khỏe; sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ; mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế.

GS. Jerome Friedman (người đứng) trao đổi tại phiên thảo luận chiều 8.7. Ảnh: VĂN LƯU

Với những vấn đề thiết thân của cuộc sống

Điều hành thảo luận về “KHCB và khí hậu”, GS. Jean Jouzel, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH), Liên hiệp quốc, nêu lên những con số đáng báo động của BĐKH đối với Việt Nam. Trong suốt
50 năm qua, nhiệt độ bình quân ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,62 độ, và Bình Định nằm trong số các tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiệt độ cực đoan tăng, số lượng ngày nóng, đêm lạnh cũng thay đổi rất nhiều…

“Mực nước biển tăng cũng là hiện tượng chúng ta thấy hàng ngày. Những thay đổi về diễn biến thời tiết ngay tại Bình Định cho thấy BĐKH tác động ngày càng rõ nét vào đời sống con người. Những thông tin này cho chúng ta một viễn cảnh về BĐKH gia tăng trong thời gian tới. Đồng thời, đặt ra yêu cầu phải có những hành động thích ứng với BĐKH và bảo đảm an sinh xã hội” - GS. Jean Jouzel nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thục, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN-MT), cho rằng, cần sự đóng góp và chung tay từ giới khoa học, nhà hoạch định chính sách và tất cả mọi người đối với sự ấm lên của đại dương và mực nước biển gia tăng.

Còn GS Fredolin Tangang, Đại học quốc gia Malaysia, cho biết, năm 2012 tại Việt Nam đã diễn ra một hội thảo khoa học về chủ đề này. “Nhờ có hội thảo đó mà chúng tôi đã có một đề xuất về một mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về dự án đối phó với BĐKH ở khu vực Đông Nam Á và được có một khoản kinh phí để thực hiện. Từ đó, chúng tôi đã có được một mạng lưới cùng chia sẻ thông tin và cộng tác trong nghiên cứu khoa học (NCKH). Nhưng phải thừa nhận chúng tôi bị tụt hậu KHCB so với các nước phát triển, trong khi khu vực Đông Nam Á rất dễ bị tổn thương bởi BĐKH”- GS. Fredolin Tangang chia sẻ.

Với chủ đề “KHCB và sức khỏe”, TS. Socorro Escalante, cố vấn Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, nêu vấn đề làm thế nào để KHCB là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề sức khỏe của con người. “Khoa học cần phải giải quyết về sự mất cân đối và mất cân bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân ở các quốc gia. Vẫn còn rất nhiều người đang bị bỏ lại phía sau!” - TS. Escalante nhận định.

Dường như đã “đụng” đến thực tế còn nhiều hạn chế và tồn tại của ngành Y tế trong nước, PGS - TS. Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, chỉ ra sự khập khiễng ngay từ khâu đào tạo nhân lực. Lâu nay, với chương trình đào tạo ở Việt Nam cũng như các nước khu vực, giáo trình giảng dạy thường theo một nếp truyền thống với các môn học, chưa kể giảng viên cũng chỉ thiên về lý thuyết mà thiếu thực tế.

“Cần thay đổi chương trình đào tạo dựa trên hệ thống thực hành, cũng như tăng tính kết nối và tính thực hành nhiều hơn. Thêm nữa, cần liên kết giữa các trường đào tạo của ngành Y với các ngành khác để giúp kiến thức của giảng viên được tốt hơn, phong phú hơn. Thứ ba là cần tăng cường sự giao thoa, tăng cường kinh nghiệm và trao đổi kiến thức” - PGS-TS. Trần Diệp Tuấn bày tỏ.

GS. Đàm Thanh Sơn (bìa phải) - một tài năng trẻ xuất sắc của Việt Nam trong làng vật lý thế giới - tham dự các thảo luận của Hội nghị ngày 8.7.  Ảnh: THU HIỀN

Tiếp nối hy vọng

Đến với “Gặp gỡ Việt Nam” lần này, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, mang theo tâm nguyện rằng, Chính phủ cần quan tâm thu hút giới khoa học trẻ nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài về nước cống hiến. Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICSE), nơi ấp ủ ý tưởng NCKH, mới là ý tưởng ban đầu. Về lâu dài, ICISE cần được quy hoạch thành không gian đô thị khoa học. Trường Đại học Quy Nhơn nên tận dụng nơi này để liên kết các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước, quốc tế nhằm nâng tầm năng lực NCKH. Các viện nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần chung tay vào cuộc kết nối lại để sớm hình thành trung tâm NCKH xứng tầm quốc tế. 

Trong cuộc trò chuyện bên lề Hội nghị “KHCB và xã hội”, GS. David Gross - Nobel Vật lý năm 2004 - kể rằng, ông từng nói chuyện với nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Pakistan, Abdus Salam - người sáng lập Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam. Ông Salam nói rằng: “Chúng ta không thể bàn đến việc phát triển và chuyển giao công nghệ nếu không phát triển KHCB trước tiên; đơn giản là vì không có cách nào khác. Nói cách khác, muốn làm được điều đó, thì phải có thế mạnh trong KHCB”.

Theo GS. David Gross, “Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức chính là một trong những cánh cổng mở ra chân trời phát triển KHCB. Và những điều mà GS. Trần Thanh Vân làm được có thể nói là “không thể tin được”. “GS. Vân là một người tuyệt vời, rất đam mê khoa học và có nhiều cống hiến cho đất nước. Ông ấy làm suốt 13 giờ đồng hồ mỗi ngày. Đây là một điều rất đáng ngạc nhiên. Ông là một người rất chăm chỉ, tận tụy với khoa học, và vợ ông - bà Ngọc - cũng như vậy” - GS. David Gross vui vẻ chia sẻ.

Chủ nhân của giải Nobel Hóa học 2002, GS. Kurt Wüthrich cũng tâm sự rằng, ông rất ngưỡng mộ GS. Trần Thanh Vân đã cố gắng đưa các nhà khoa học quốc tế đến gần nhau hơn thông qua “Gặp gỡ Việt Nam”. “Không chỉ các bạn mà ngay cả chúng tôi cũng được học hỏi rất nhiều. Tôi còn được tiếp xúc với những bạn trẻ yêu khoa học ở đây. Đó thật sự là những điều tuyệt vời, một trải nghiệm thú vị khi chúng tôi đến Bình Định” - ông bày tỏ.

Nguồn: Báo Bình Định 


Tin nổi bật Tin nổi bật