Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Điểm cầu Bình Định
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là căn cứ pháp lý nhằm tăng cường quản lý, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính. Việc tách bạch giữa Cán bộ, công chức (những người thực thi quyền lực nhà nước, tham mưu chính sách) và Viên chức (những người hoạt động nghề nghiệp, phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ xã hội) là quy định phù hợp, làm căn cứ pháp lý để phân biệt các đối tượng này, đồng thời minh bạch trong quản lý, giao nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ và đo lường hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC.
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020). Luật này sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức. Luật gồm 3 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; Điều 3 về hiệu lực thi hành.
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp. Theo đó, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở.Sau gần 05 năm áp dụng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số nội dung, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương và xu hướng cải cách đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp và đội ngũ CBCCVC.
Cũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020; sửa đổi, bổ sung 05 điều của Luật tổ chức Chính phủ và 38 điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Luật gồm 04 điều; trong đó: Điều 1 sửa sổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương; Điều 3 quy định về điều khoản thi hành và Điều 4 quy định về điều khoản chuyển tiếp.
Bên cạnh việc triển khai những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các Luật trên.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh hội nghị này có ý nghĩa quan trọng giúp cho cán bộ, công chức trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương nắm vững những nội dung mới của các Luật trên cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời có kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các Luật và các văn bản liên quan đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua và ban hành.
Kim Loan