Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018
Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Theo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, năm 2018, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến rất phức tạp, cực đoan, vượt nhiều mốc lịch sử, thiệt hại kinh tế trên thế giới ước tính 146 tỷ USD. Tại Việt Nam, thiên tai năm 2018 mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai.
Năm 2018, thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích. Trong đó, 92 người do mưa lũ (chiếm 41%); 82 người do lũ quét, sạt lở đất (chiếm 37%); 50 người do các thiên tai khác (chiếm 22%). Hơn 1.900 ngôi nhà bị đổ, trôi; hơn 31nghìn nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Trên 261 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; trên 43 nghìn ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ngoài ra, 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đất đá đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Cùng với đó là 107 tàu thuyền bị chìm do bão và áp thấp nhiệt đới. Với tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đã giảm nhiều so với thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2017 (gần 60.000 tỷ đồng, 386 người chết và mất tích).
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích, hơn 18.200 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 27.370 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 5.077 ha cây công nghiệp, cây hàng năm và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 12.700 con gia súc, gia cầm bị chết; sạt lở trên 22.300m3 đất đá, bê tông; 1.427m đê, kè; hơn 1.100m bờ sông, bờ suối. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỷ đồng.
Về công tác phòng chống thiên tai thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia vào cuối năm 2019. Xây dựng Đề án tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực: Miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành việc lắp đặt thí điểm cảnh báo lũ quét sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc các cấp uỷ chính quyền ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của công tác phòng chống thiên tai đối với tính mạng người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, theo nhận định của Liên Hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 10 nước bị thiên tai đe doạ lớn nhất, nếu không chủ động phòng chống thiên tai thì thiệt hại rất lớn. Chính vì vậy, cần chủ động kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai. Chủ động để ổn định, không bất ngờ lúng túng trước tình huống xấu. Chủ động để người dân không ai phải màn trời chiếu đất, không để ai ở lại phía sau trong thiên tai.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ chính. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, rà soát và cập nhật phương án phòng chống thiên tai tránh bị động, lúng túng khi tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai qua diễn tập, tập huấn cho người dân, cộng đồng. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng dự báo đảm bảo kịp thời chính xác hơn nữa. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nâng cao cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác phòng, chống thiên tai.
Thùy Trang