|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị đánh giá chỉ số PAPI , PAR Index và công bố Chỉ số cải cách hành chính; kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 12/6, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2018 của tỉnh và công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC); kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2018. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về CCHC; Phan Phi Hổ - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về CCHC.

Quang cảnh hội nghị

Về chỉ số PAPI, năm 2018, Bình Định đạt 41,04 điểm (trên thang điểm từ 1 – 80), thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất. Theo bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách thuộc Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam: Trong 8 chỉ số nội dung của PAPI, Bình Định đạt điểm khá thấp ở chỉ số quản trị điện tử, quản trị hành chính công, trách nhiệm giải trình với người dân, công khai minh bạch và sự tham gia của người dân ở cơ sở... Do đó, đã kéo Chỉ số PAPI “tụt dốc” nhanh.

Trong khi đó, PAR Index năm 2018 của Bình Định đạt 73,80 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố và xếp 8/12 tỉnh, thành phố khu vực các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên. 8 lĩnh vực, tiêu chí dùng để tính PAR Index gồm: công tác chỉ đạo điều hành về CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC - Bộ Nội vụ, cho rằng: Công tác CCHC trên các lĩnh vực tại Bình Định nhìn chung có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chế độ báo cáo chưa được thực hiện kịp thời; một số nhiệm vụ được giao bị chậm thực hiện; việc công bố, công khai, minh bạch thủ tục hành chính (TTHC) chưa đầy đủ; liên thông một cửa điện tử chưa đạt yêu cầu.

Tại hội nghị, Sở Nội vụ đã công bố Chỉ số CCHC năm 2018 của tỉnh. Theo đó, trong khối các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh có chỉ số CCHC cao nhất, đạt 88,78%; tiếp theo là Cục Hải quan tỉnh (84,97%), Ngân hàng Nhà nước tỉnh (83,95%), Kho bạc Nhà nước tỉnh (83,40%), cuối cùng là Cục Thuế tỉnh (77,64%). Trong 21, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Sở Tài chính có chỉ số CCHC cao nhất, đạt 90,60% và Sở Ngoại vụ có chỉ số CCHC thấp nhất, đạt 65,37%. Trong khối các huyện, thị xã, thành phố: Quy Nhơn đứng đầu bảng xếp hạng với chỉ số CCHC đạt 75,98%, Phù Cát xếp cuối với chỉ số CCHC đạt 57,72%.

Hội nghị cũng đã công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2018. Chỉ số hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công đối với các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh lần lượt là: Cục Hải quan (95,1%), Ngân hàng Nhà nước tỉnh (85,1%), Bảo hiểm xã hội tỉnh (75,3%), Cục Thuế tỉnh (67,3%), Kho bạc Nhà nước tỉnh (65,9%). Trong 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Sở Tài chính dẫn đầu với chỉ số hài lòng đạt 95,9% và Sở Y tế có chỉ số hài lòng thấp nhất (70,2%). Trong 11 UBND , thị xã, thành phố, Vân Canh đạt chỉ số hài lòng cao nhất (91,1%) và thành phố Quy Nhơn về cuối trong bảng xếp hạng với chỉ số hài lòng đạt 82,2%.

Theo đánh giá chung, thời gian qua, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Các cấp, các ngành, các địa phương đã có sự quan tâm, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra từ đầu năm. Công tác rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC như: Công tác chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự chủ động trong nghiên cứu, đề xuất giải pháp đột phá để đẩy mạnh CCHC. Các cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, triển khai các nhiệm vụ về CCHC chưa chủ động, tích cực; sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong giải quyết các vấn đề phát sinh chưa thật sự tốt. Công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá cán bộ, công chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, nội quy, quy chế làm việc và thực hiện nhiệm vụ được giao tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, thiếu quy định, quy chế hoặc chưa có hình thức giám sát, theo dõi phù hợp...

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu các cấp, các ngành cần nâng cao kỷ cương, trách nhiệm trong thực hiện CCHC; nêu cao tinh thần, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CCHC. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các bức xúc, khiếu nại kéo dài trong nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất. Kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có thái độ quan liêu, cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC.

“PAPI và PAR INDEX là 2 chỉ số hết sức quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh.” - Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, góp phần cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp thu và triển khai nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng; đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả  trong công tác kiểm soát TTHC, rà soát, đơn giản hóa TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng ngành, địa phương; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận Một cửa cấp huyện và cấp xã. Đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,; đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế.; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2109 – 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh, thực hiện hiệu quả việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử và gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước; thường xuyên rà soát,  nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Dịp này, hưởng ứng phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Định thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Chủ tịch tỉnh kêu gọi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh cùng chung sức đồng lòng, đoàn kết, tự giác thực hiện đạo đức công vụ và văn hóa công sở, cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên học tập, quyết tâm xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật