|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp Ban Chỉ đạo Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 23/5, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - UVBTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo.

Quang cảnh cuộc họp

Theo báo cáo đánh giá tại cuộc họp, trong năm 2021 và 2022, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã tổ chức triển khai quán triệt, tuyên truyền Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, qua đó các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Công tác nghiên cứu, chuyển giao những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất được đẩy mạnh. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân; các chương trình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất tiếp tục đem lại hiệu quả cao. Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữa cơ, VietGAP… ngày càng tăng; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu.

Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục được tăng cường và kiểm soát giúp người nông dân yên tâm phát triển chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi được chuyển dịch dần từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Năng suất, chất lượng con giống ngày càng được nâng cao, người chăn nuôi hầu hết được tiếp cận, sử dụng con giống có năng suất cao, thích ứng với điều kiện khí hậu của địa phương. Nhiều trang trại đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, trang thiết bị hiện đại trong chăn nuôi và xử lý chất thải.

Công tác trồng rừng cây gỗ lớn của các doanh nghiệp và liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ gia đình để trồng rừng cây gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được quan tâm, đẩy mạnh.

Khai thác thủy sản tiếp tục được tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác đã nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương. Đã xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung; xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm. Đã tranh thủ và lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh….

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Tỉnh uỷ trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định. Công tác dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước chưa thực sự hoạt động hiệu quả, gây lúng túng cho công tác định hướng sản xuất nông nghiệp theo từng thời điểm cụ thể tại các địa phương. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả nhưng đòi hỏi cao về công nghệ, quy trình canh tác, vốn đầu tư… nên việc nhân rộng các mô hình công nghệ cao gặp khó khăn. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bước đầu phát triển nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các khâu trong sản xuất….

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, nhất là những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu đánh giá những kết quả của ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua và đề xuất ra các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo, ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương cần quan tâm khắc phục 3 tồn tại cốt lõi gồm: Quan tâm tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản; nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích và xây dựng được các chuỗi giá trị liên kết “4 nhà”: Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận cuộc họp. 

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới: Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương phải cùng vào cuộc, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới cách thức, phương pháp khảo nghiệm, tập trung nghiên cứu đưa khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến người nông dân; cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề tiêu thụ nông sản cho người dân, không để tình trạng người dân “tự bơi” với sản phẩm do mình tạo ra. Đề nghị UBND tỉnh làm việc với các địa phương, xây dựng các hợp tác xã chuyên tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục duy trì các phiên chợ nông sản vừa quảng bá vừa tiêu thụ sản phẩm cho người dân; khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, huy động nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng nông thôn như: Công trình cấp nước sạch, xử lý rác thải, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi… nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn; tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất; đồng thời, tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các địa phương trong tỉnh./.


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật