|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh (Khóa XI): Học hành và sức khỏe là những vấn đề thiết thân

Trong phiên họp buổi sáng 10.12, các ĐB HĐND tỉnh tiếp tục nghe các tờ trình thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, nội vụ và các báo cáo thẩm tra của các ban của HĐND tỉnh. Như thường lệ, y tế và giáo dục vẫn là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của hầu hết ĐB, thể hiện qua việc tập trung cho ý kiến, bàn thảo về 2 tờ trình quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đến năm 2020 và điều chỉnh, bổ sung mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

ĐB Từ Thị Phụng (An Lão) tham gia thảo luận về các tờ trình, báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: H.Y


QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG LỚP ĐẾN NĂM 2020:

Tiền đâu mở trường, lớp?

Về Tờ trình Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học của ngành GD&ĐT tỉnh đến năm 2020, nhìn chung các ĐB cho rằng việc tập trung huy động mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội hóa giáo dục để từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống trường mầm non, trường phổ thông, trường chuyên biệt và giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là cần thiết. Nhưng, họ không khỏi băn khoăn về kinh phí và quỹ đất xây dựng trường lớp.

 

ĐB Dương Tấn Sinh (Tuy Phước) cho rằng cần cân nhắc việc phải chi 1.200 tỉ đồng để xây dựng 92 trường giai đoạn 2012-2020, bởi ngoài kinh phí xây dựng thì còn phải bố trí quỹ đất và xem xét có phù hợp với mức tăng dân số của tỉnh không. ĐB Ngô Văn Công (Phù Mỹ) lo lắng: “Nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương rất khó tranh thủ, nguồn xã hội hóa cũng khó, cần phải rút kinh nghiệm chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008-2012, do không tính được yếu tố trượt giá nên nhiều địa phương hiện nay còn nợ hàng chục tỉ đồng tiền xây dựng trường lớp”.

 

Các ĐB ở cương vị lãnh đạo địa phương lại có cái nhìn xa hơn về vấn đề này. ĐB Lê Trọng Tùng, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, tính toán, nếu thực hiện thì huyện mất cân đối đầu tư xây dựng cơ bản, xã cũng phải có vốn đối ứng, trong khi xã không có nguồn thu, nên rất khó cho các địa phương.  Còn theo ĐB Nguyễn Minh Phụng, Bí thư Huyện ủy Phù Cát, thực hiện đề án thì sẽ phải tăng cơ sở vật chất, giáo viên, biên chế, ngân sách. Điều này tạo áp lực cho các địa phương vì không đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Vì vậy, ĐB Phụng quyết liệt: “Tôi không đồng tình với tờ trình vì từ nay đến 2015 chúng ta không có nguồn lực về kinh phí và biên chế để làm. Tôi nói điều này là rất thật lòng và khẳng định nếu chúng ta thông qua nghị quyết này, thì cũng không thể thực hiện đạt như kế hoạch đề ra”.

 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Văn Bình, đồng thời là ĐB HĐND tỉnh, giải thích, khi xây dựng đề án thì Sở căn cứ vào các quy định của Bộ GD&ĐT. Rồi ông nói thêm: “Chính tôi là người làm công tác trong ngành giáo dục cũng băn khoăn về những vấn đề đặt ra nêu trên. Nhưng nếu chúng ta không làm thì không được, vì cần phải có quy hoạch”. Về nội dung này, ĐB Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, giải thích thêm, việc tỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đến năm 2020 làm theo quy hoạch của Trung ương, mặt khác, nếu không làm thì không xin được vốn đầu tư của Trung ương, nên UBND tỉnh đã cân nhắc khi xây dựng tờ trình và trình HĐND tỉnh cho ý kiến.

 

Chia sẻ với ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, ĐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát) đề nghị cần ghi trong tờ trình là tùy theo nguồn vốn mình có mà các địa phương thực hiện việc quy hoạch. ĐB Phan Trọng Hổ (An Nhơn) cũng cho rằng, nếu tờ trình được thông qua thì đề nghị Sở GD&ĐT, KH-ĐT ghi rõ lộ trình về kinh phí thực hiện.

 

TĂNG GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ:

Có tăng chất lượng khám chữa bệnh?

Đa số các ĐB đều đồng tình với tờ trình về việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh (tổng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh đạt 74,95% so với tổng mức giá dịch vụ theo quy định của Bộ Y tế và Tài chính, tăng 15,89% so với lần điều chỉnh vào tháng 8.2012), bởi điều đó giúp ngành y tế có thêm nguồn kinh phí để đầu tư thêm trang thiết bị, cải thiện đời sống cho đội ngũ y, bác sĩ, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.

 

Tuy nhiên, điều mà ĐB nào cũng quan tâm và băn khoăn là liệu tăng giá thì có tăng chất lượng dịch vụ tương ứng hay không. ĐB Phan Trọng Hổ (An Nhơn) bày tỏ: “Tôi nghĩ mức thu dịch vụ khám chữa bệnh như hiện nay là chưa đủ bù chi, nhưng qua tiếp xúc cử tri, bà con ý kiến nhiều là tăng giá như vậy thì lộ trình cải tiến chất lượng phục vụ như thế nào? Thậm chí có cử tri hỏi một số tệ nạn trong ngành y vẫn không được giải quyết mà lại cứ tăng giá?”. 

 

Ngoài ra, ĐB Lê Thị Kim Mai (Hoài Nhơn) cho rằng tăng giá dịch vụ vào thời điểm hiện nay là không hợp lý. ĐB Mai đưa ra lý do, năm 2013 là một năm rất khó khăn, giữa năm xảy ra tình hình hạn hán, cuối năm bị lũ lụt, giờ Tết cũng đã cận kề, nếu tăng giá vào thời điểm này thì làm người dân thêm khó khăn. ĐB Nguyễn Giờ (Hoài Nhơn) đề xuất HĐND tỉnh nên thông qua nghị quyết điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh vào kỳ họp HĐND lần thứ 8 (năm 2014) là hợp lý nhất. ĐB Tôn Thất Thảo (Hoài Nhơn) và ĐB Nguyễn Thị Đàng (Phù Mỹ) còn băn khoăn, tăng giá dịch vụ thì phí mua thẻ BHYT có tăng không, bởi nếu tăng thì người dân gặp khó khăn khi mua thẻ BHYT mới.

 

 Nhiều ĐB khi nói về khoản thu thêm 10% so với giá dịch vụ đã được ban hành đối với người ngoài tỉnh đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của tỉnh. ĐB Đặng Thành Thái (Hoài Ân), Phan Văn Thanh (Tây Sơn), Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát)... đều cho rằng không nên thu thêm, vì tỉ lệ người ngoại tỉnh đến tỉnh ta chữa bệnh so với tổng số bệnh nhân là ít, hơn nữa việc quy định như vậy thì bệnh viện tỉnh ta khó cạnh tranh được với bệnh viện các tỉnh lân cận. Nhận xét việc thu thêm phí với bệnh nhân ngoại tỉnh “vừa mang tiếng, vừa không có lợi xét về lâu dài”, ĐB Lê Công Nhường (An Nhơn) phân tích: “Không nên thu thêm vì ta sẽ thu qua bán các dịch vụ khác (lưu trú, ăn uống...), mặt khác việc có nhiều bệnh nhân sẽ giúp các bác sĩ nâng cao tay nghề”.

 

Dù theo lý giải của ĐB Trần Văn Trương, Phó Giám đốc Sở Y tế thì thời gian gần đây có khá nhiều người ngoại tỉnh kết hợp du lịch với khám bệnh tại tỉnh ta, nhưng đa số ĐB cho rằng phần lớn người dân ngoại tỉnh đến khám chữa bệnh là người nghèo hoặc kinh tế trung bình nên thu thêm thì không hợp lý, chưa kể về mặt “đối ngoại” và khoản thu này thực tế cũng không đáng kể. “Giả sử dân mình đến các bệnh viện tỉnh khác cũng bị thu như vậy thì thế nào? Chưa kể là quy định này không đúng với Luật Khám chữa bệnh, Luật Cư trú”, ĐB Nguyễn Tuấn Thanh (Quy Nhơn) nói.

 

“Việc chuyển sang sử dụng gạch không nung là cần thiết, nhưng lộ trình thực hiện tháo dỡ, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công vào năm 2016 liệu có khả thi hay không? Hiện các lò gạch thủ công cung cấp khoảng 370 triệu viên/năm ra thị trường, vậy gạch không nung có thể cung cấp đủ cho thị trường từng ấy hay không?

ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước)

 

* “So với chủ trương thay thế sử dụng vật liệu gạch đất sét nung bằng gạch không nung cho các công trình xây dựng và xóa bỏ cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh ta xây dựng lộ trình chuyển đổi trễ 4 năm. Chúng ta chỉ vận động người dân từ bỏ nung gạch bằng lò thủ công, chứ không phải bỏ hẳn ngành nghề gạch ngói, và chỉ vận động loại bỏ công nghệ lạc hậu, nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Mức hỗ trợ cho các hộ sản xuất gạch ngói của tỉnh là thấp nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh có hạn”.

Ông Đào Quý Tiêu, Giám đốc Sở Xây dựng

 

“Người dân mua gì thì mua, riêng mua thuốc và mua dịch vụ khám chữa bệnh thì không bao giờ trả giá, nghĩa là họ có bệnh thì họ lo chạy chữa. Nhưng tăng giá dịch vụ thì có tăng chất lượng khám chữa bệnh không? Một trong những ngành bị người dân oán trách nhiều nhất, tai tiếng nhiều nhất hiện nay là y tế. Tôi đề nghị ngành y tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện. Ngành y tế phải có đánh giá là từ lần tăng giá trước (tháng 8.2012) đến nay, chúng ta đã tăng chất lượng dịch vụ như thế nào? Và bây giờ tăng lên nữa thì dịch vụ có đảm bảo chất lượng hay không?

ĐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát)

 

* “Từ khi tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh đến nay, chế độ phụ cấp, trang thiết bị cho ngành y tế tăng vì được trích 15% tiền khám bệnh và giường bệnh để tái đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hiện nay, trang thiết bị phục vụ hàng ngày ở các bệnh viện đã được cải thiện (giường, quần áo bệnh nhân, nhà vệ sinh). Về ý kiến thái độ phục vụ, y đức của y bác sĩ kém, đó chỉ là một số con sâu làm rầu nồi canh thôi. Về chuyên môn, so với các tỉnh trong khu vực thì chất lượng dịch vụ của ngành y tế Bình Định là tốt, hàng năm phục vụ trên 3 triệu lượt người. Về nhân lực, hiện bệnh viện tuyến huyện có khoa chỉ có 1 bác sĩ, đây là áp lực và rủi ro cho ngành y tế. Vấn đề này phải giải quyết từng bước một”.

Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế

 

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật