A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nên dành nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất

Trong buổi thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) kiến nghị: Nên dành nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ tăng thu nhập cho người dân

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) phát biểu ý kiến.


Đại biểu Thụy nhận xét: “Năm 2013 là một năm đầy khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách chỉ đạo điều hành linh hoạt nên đã có hơn 2/3 chỉ tiêu đạt và vượt. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ nhận thấy, chất lượng cuộc sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là nông dân, những người sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Người dân băn khoăn, bức xúc trong khi một bộ phận nhân dân phải cật lực lao động trang trải cho cuộc sống hàng ngày thì vẫn còn tình trạng ngân sách nhà nước bị chiếm dụng, bị thất thoát lên tới hàng nghìn tỷ đồng”.

Theo bà Thụy: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhiều chính sách đã và đang đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những chính sách ban hành không toàn diện, chưa bao phủ các đối tượng trong vùng, khu vực hoặc có chính sách đã ban hành nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung”.

“Ví dụ, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, chính sách tín dụng cho nông nghiệp theo Nghị định 61, 41. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân tuy được đánh giá là lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, của đất nước, là nơi giải quyết việc làm cho không chỉ lao động ở nông thôn mà cả những người thất nghiệp ở thành phố, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu vào của sản xuất nông nghiệp cao, giá bán nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp thấp trong nhiều khâu từ sản xuất đến tiêu dùng rất cần có sự can thiệp của Nhà nước nhưng chưa có biện pháp hiệu quả, gây thiệt thòi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng”, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy dẫn chứng.

“Tôi đề nghị, khi triển khai các chương trình, các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này, các cơ quan chức năng cần theo dõi, đánh giá, đề xuất điều chỉnh, bổ sung kịp thời để chính sách phát huy hiệu quả trong thực tế. Chính phủ cần có các giải pháp hữu hiệu hơn để tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp”, bà Thụy nói.

Đại biểu Thụy cho rằng: “Hiện nay, cả nước đang triển khai xây dựng nông thôn mới nhưng chỉ tiêu 20% tổng số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới khó có thể hoàn thành do phân bổ nguồn lực chưa đạt yêu cầu, mới chỉ đáp ứng 20%, trong đó có nguyên nhân chúng ta chưa xác định xây dựng nông thôn mới phải xuất phát từ nguồn lực tại chỗ là chủ yếu mà cho rằng do ngân sách nhà nước hỗ trợ nên khi xây dựng định mức, tiêu chí khá cao dẫn đến việc không có đủ nguồn lực để thực hiện”.

“Đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh một số tiêu chí hướng đến hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, không nên quy định quá cứng nhắc như nhà văn hóa phải đủ diện tích, thôn, bản, ấp có nhà văn hóa và khu tập thể thao... Nên để dành nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ tăng thu nhập cho người dân”, đại biểu Bình Định kiến nghị.

 

Theo Đại Biểu Nhân Dân 


Tin nổi bật Tin nổi bật