Ngành Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Định
Trong năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục đã ban hành chỉ thị và xây dựng kế hoạch để triển khai 09 nhóm nhiệm vụ và 05 nhóm giải pháp cơ bản và đạt được một số kết quả quan trọng ban đầu. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước được tăng cường; công tác cải cách hành chính từng bước được đẩy mạnh; bộ máy tổ chức, nhân sự theo sắp xếp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Cơ sở vật chất của các nhà trường được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông được tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Ngoài ra, ngành Giáo dục còn rà soát, giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh; tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém của ngành Giáo dục như: quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Phương thức dạy nghề trong các trường phổ thông còn nặng về kiến thức lý thuyết, việc phối hợp giữa nhà trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chưa hiệu quả. Chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị ngành Giáo dục cần rà soát, bãi bỏ những quy định cứng nhắc, những chỉ đạo có tính chất cầm tay chỉ việc, các loại quy chuẩn hình thức áp từ trên xuống; tăng cường tự chủ đại học, bãi bỏ những quy định cứng nhắc gây khó khăn cho quá trình tự chủ và đi đầu trong việc xóa bỏ cơ quan chủ quản ở ngay chính những trường mà Bộ đang quản lý; đối với phổ thông, Bộ cần nhanh chóng hoàn thiện nghị định về tự chủ để phát huy dân chủ trong cơ sở giáo dục phổ thông. Các địa phương cần khẩn trương, tích cực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước thực trạng ngành Sư phạm thừa thiếu cục bộ, khó khăn trong tuyển sinh, giảm uy tín với xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu giữa Bộ Giáo dục và các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện; trong đó, Bộ Giáo dục phải có dự báo về số lượng giáo viên và ban hành những văn bản để đảm bảo các điều kiện chất lượng đội ngũ cũng như thống nhất với Bộ Nội vụ về biên chế giáo viên. Ngoài ra, tất cả các bậc học, nhất là bậc học tiểu học cần quan tâm đến dạy người toàn diện; ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa tới giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trong đó chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xã hội để xây dựng xã hội học tập.
Theo Kim Loan (VPUB)