Sắp diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia về vấn đề chữ Quốc ngữ
Theo đó, Trưởng ban tổ chức là GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và TS. Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Phó Trưởng ban là các Nhà sử học, GS, PGS.TS của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Viện Ngôn ngữ học Việt Nam; Hội Ngôn ngữ học TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc; Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống và Giám đốc Sở VHTT&DL Bình Định. Ngoài ra, còn có các ủy viên là các Nhà thơ, nhà biên kịch; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Tổng biên tập các tạp chí Xưa&Nay, Văn Hiến, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Bình Định; Phó Giám đốc và chuyên viên Sở VHTT&DL Bình Định.
Nội dung Hội thảo sẽ tập trung vào ba nội phần chính là: Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ; Sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu cũng như các giai đoạn tiếp theo; Chữ Quốc ngữ với sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, đã có 56 tham luận khác nhau về vấn đề chữ Quốc ngữ gửi về Ban Tổ chức. Trong đó, đáng chú ý là các tham luận về “Bối cảnh lịch sử văn hóa của thời đại đối với việc xuất hiện của chữ quốc ngữ” của PGS. TS Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Hà Nội), “Bước đầu tìm hiểu vai trò của Bình Định trong lịch sử chế tác chữ Quốc ngữ” của GS.TSKH Lý Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (Hà Nội), “Những vấn đề đặt ra từ quá trình hình thành, phát triển, hiện đại hóa chữ quốc ngữ và vai trò của Bình Định” của GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc (Hà Nội), “Vùng đất Bình Định với công cuộc La tinh hóa tiếng Việt ở thế kỷ XVII” của TS. Trần Quốc Tuấn và Th.S Nguyễn Công Thành, Trường Đại học Quy Nhơn...
Sau khi kết thúc Hội thảo, các tham luận được tuyển chọn sẽ được in trong Kỷ yếu hội thảo và được xuất bản sau đó.
T.T.T