Tổng kết Dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi - nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững”
Quang cảnh hội nghị
Dự án SRI do Chính phủ Úc tài trợ và được Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015.
Mục tiêu của Dự án là giảm phát thải khí nhà kính thông qua áp dụng SRI trong canh tác lúa; biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm chất thải và ô nhiễm môi trường; thúc đẩy liên kết thị trường và phát triển thị trường “gạo sạch”, tăng thu nhập cho nông dân, phát triển nguồn nhân lực các cấp của đối tác.
Dự án SRI có 03 hợp phần: thâm canh lúa cải tiến, năng lượng tái tạo và thị trường liên kết, dự án được thực hiện từ vụ Đông Xuân 2012-2013 tại các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát và Hoài Nhơn. Vụ sản xuất đầu tiên được triển khai tại 2 xã Phước Sơn (Tuy Phước) và Tây An (Tây Sơn) với quy mô hơn 87,5 ha với 534 hộ nông dân tham gia. Đến vụ sản xuất Đông Xuân (2014 - 2015) Dự án đã mở rộng triển khai tại 7 xã của 4 huyện Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước và Hoài Nhơn với quy mô trên 600 ha và 3.800 hộ gia đình tham gia.
Qua 5 vụ triển khai mô hình SRI, kết quả chi phí giảm 8% so với ruộng nông dân sản xuất, năng suất trung bình ruộng SRI đạt gần 79 tạ/ha (tăng 8,4%), thu nhập của nông dân tăng bình quân 12,7%, lợi nhuận tăng 47%. Mô hình SRI làm phân bón, thuốc BVTV giảm phát thải khí CH4, N2O... ra môi trường góp phần hạn chế các khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ngoài tác động tích cực tới tập quán canh tác, thu nhập của nông dân, mối liên kết của nông dân được tăng cường thông qua việc hình thành các nhóm nông dân cùng tham gia, chia sẻ các tiến bộ kỹ thuật và kỹ năng hạch toán kinh tế, giúp họ quản lý kinh tế gia đình tốt hơn. Dự án cũng đã từng bước tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo sạch SRI.
Tại hội nghị, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có chủ trương, ban hành chính sách, kế hoạch dài hạn phát triển ứng dụng SRI. Tổ chức SNV tiếp tục hỗ trợ thực hiện pha 2 của Dự án nhằm đưa phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI trên cánh đồng mẫu lớn ra diện rộng, nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng lúa, hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu; hỗ trợ công tác đào tạo đội ngũ kỹ thuật cho tỉnh về canh tác lúa giảm khí phát thải; xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo SRI./.
Tin,ảnh: Nguyễn Thị Thanh