Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp Phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi.
Quang cảnh cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp cho biết: đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi đang xảy ra tại 60 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng số heo bệnh và tiêu hủy hơn 3 triệu con. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch. Nguy hiểm hơn là dịch bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, hơn 3 tháng qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh từ huyện đến cơ sở phải vào cuộc để tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp cấp bách khống chế Dịch tả heo Châu Phi theo qui định của Luật Thú y, Chỉ thị số 55-CT/TU ngày 31/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 05/3/2019, văn bản số 2614/UBND-KT ngày 16/5/2019 và văn bản 3084/UBND-KT ngày 6/6/2019 của UBND tỉnh về triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này ở nhiều địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn như: thiếu lượng thuốc sát trùng để phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; thiếu cán bộ thú y cơ sở làm nhiệm vụ kiểm soát, kiểm dịch giết mổ, mua bán, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thịt heo bị rớt giá, tiêu thụ chậm; trong khi đó, giá cả thức ăn chăn nuôi không giảm nên người chăn nuôi bị thua lỗ nặng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung đánh giá, bàn nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong thời gian qua nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch tả heo Châu Phi lây lan, đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh cùng các sở, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung tổ chức công tác tuyên truyền cho người dân chăn nuôi trên địa bàn nhận thức đúng đắn về tác hại của dịch bệnh và cách phòng, chống, thực hiện 5 không khi phát hiện có dịch (không dấu dịch, không buôn bán vận chuyển, không giết mổ, không vứt xác lợn chết – bị bệnh, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn), đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng này; tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm dịch việc vận chuyển heo ra vào tỉnh; hướng dẫn các Trạm và Chốt kiểm dịch động vật về cách phun thuốc sát trùng đối với các phương tiện vận chuyển gia súc qua lại; đẩy mạnh kiểm soát, kiểm dịch việc giết mổ, mua bán, tiêu thụ thịt heo; nghiêm cấm không cho nhập heo con giống vào tỉnh; không cho tăng đàn heo nuôi; thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng biết bệnh dịch tả heo Châu Phi chỉ xảy ra ở heo, không lây sang người và động vật khác để yên tâm sử dụng sản phẩm thịt heo đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng; thành lập tổ phòng chống dịch khẩn cấp có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý tiêu hủy heo nếu có dịch bệnh xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cũng đề nghị các địa phương giám sát chặt công tác hỗ trợ cho các chủ hộ nuôi có heo bị tiêu huỷ, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, đề xuất Trưởng ban xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu từng thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thuộc địa bàn phụ trách, xứ lý những địa phương còn chủ quan, thiếu quyết liệt trong công tác chủ động tổ chức chống dịch. Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, UBND cấp huyện tiếp tục thành lập các chốt kiểm dịch và phải tổ chức tiêu độc sát trùng, đảm bảo duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả chống dịch, tránh tình trạng lập chốt, không hoạt động. Nếu để xảy ra thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND tỉnh về việc triển khai và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thùy Trang