Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Định
Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát, phía tỉnh Bình Định có các đồng chí Lê Hữu Lộc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Vinh Quang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Nguyễn Thanh Thuỵ, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; cùng đại diện các sở, ngành liên quan (ảnh).
Theo báo cáo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của UBND tỉnh, đầu tư công là nguồn lực chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội. Các dự án đầu tư công đa phần được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong khi đó vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước là không đáng kể. Kết quả tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2011 - 2014 của tỉnh cho thấy, tỉ trọng đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, chiếm tỉ trọng khoảng 30% so với tổng chi ngân sách toàn tỉnh. Mặc dù vốn đầu tư công trong giai đoạn này bị thu hẹp, cắt giảm song hàng năm tỉnh Bình Định vẫn đảm bảo mức đầu tư công khoảng 1.700 tỉ đồng, đạt bình quân 90% so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, vốn đầu tư công của từng ngành, lĩnh vực đã có sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đúng với tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước; tập trung đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ cho ngành giáo dục, y tế và ưu tiên đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đối với việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 53 tổ chức tín dụng. Tổng nguồn vốn hoạt động tính đến tháng 6 năm 2014 hơn 44.680 tỉ đồng; dư nợ là 35.390 tỉ đồng. Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống tín dụng ngân hàng, các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã thực hiện tái cơ cấu theo phương án của Hội sở chính, nâng cao chất lượng hoạt động, sắp xếp lại mạng lưới, hoạt động đúng pháp luật qui định ngành ngân hàng; đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Ngân hàng chi nhánh Nhà nước tỉnh thực hiện theo văn bản 187 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc triển khai cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
Về việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tỉnh Bình Định đang tập trung tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, mà trọng điểm là Công ty dược - trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) và Tổng công ty sản xuất - đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (Pisico). UBND tỉnh đã chỉ đạo giải thể các công ty con hoạt động không hiệu quả, hoặc xác nhập và tái cấu trúc, sắp xếp lại hoạt động doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời tiến hành cổ phần hoá, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cho biết, hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đó công ty lớn có rất ít, do vậy GDP đem lại rất hạn chế. Mặt khác, cơ sở hạ tầng của tỉnh vừa kém, lại đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó nguồn lực tài chính địa phương còn yếu, ngân sách hạn hẹp, phân bổ vốn bị chia nhỏ, hiệu quả đầu tư đạt thấp. Tỉnh Bình Định cũng đang tái cơ cấu khu vực nông nghiệp - nông thôn nhưng tình hình vốn đầu tư cũng còn nhiều khó khăn, do vậy mức vốn đầu tư chưa cao, chỉ mang tính dân sinh. Đáng chú ý là tỉnh đang tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, cấp bách, ưu tiên cho các dự án lớn, như Quốc lộ 19, Quốc lộ D, hệ thống đê kè đầm biển, các hồ chứa thuỷ lợi.
Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế ở các lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp và hệ thống tín dụng, ngân hàng. Về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp và đề đạt lên Quốc hội để sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ nguồn lực tài chính cho lĩnh vực đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng trong thời gian tới./.
Tin, ảnh: Lê Anh