|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tranh thủ cơ hội khôi phục, phát triển ngành du lịch Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 29/4, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định và Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Bình Định trong tình hình mới”. Các ý kiến, góp ý của các chuyên gia tại Hội thảo đã gợi mở nhiều vấn đề để tỉnh Bình Định điều chỉnh chiến lược, định hướng đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn.

 

Quang cảnh Hội thảo

Bình Định là một trong số ít những địa phương đã tận dụng thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19 trong 2 năm qua để rà soát, nâng cấp, thiết kế lại kết cấu hạ tầng và các sản phẩm du lịch. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, tỉnh Bình Định vẫn kêu gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, phục vụ du lịch. Đến nay, khi cả nước mở cửa toàn diện trong bối cảnh bình thường mới, Bình Định là một trong những địa phương đi đầu, xác lập lại nền tảng và tạo niềm tin về một môi trường du lịch an toàn và độc đáo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: “Tỉnh Bình Định đã thể hiện sự quyết tâm cao để phát triển du lịch bằng hàng loạt các hoạt động, diễn đàn. Cả nước chỉ có Bình Định và Quảng Ninh thật sự có hành động nỗ lực quyết chiến trong dịch, xem như cơ hội để thiết lập, xây dựng hạ tầng để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới. Sau dịch, thành phố Quy Nhơn đẹp hẳn lên và Bình Định là một trong 5 địa phương được trung ương thí điểm mở cửa quốc gia toàn diện”.

Nói đến Bình Định, là nói về miền đất có lịch sử văn hóa rất đa dạng và phong phú và có các tầng văn hóa đan xen, có cố đô của Vương quốc Chăm pa, nơi phát tích của phong trào Tây Sơn, là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều nhà văn hóa, nhà thơ lớn của Việt Nam…Đây cũng là vùng đất có rất nhiều di sản đặc trưng cấp quốc gia, cùng với đó là 134 km bờ biển với những bãi biển, đảo, đầm xinh đẹp. Có thể khẳng định tỉnh Tài nguyên du lịch Bình Định rất giàu, vấn đề hiện tại là cần có chiến lược, định hướng thích hợp để tăng tốc phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Nguyễn Phi Long

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch của tỉnh Bình Định vẫn còn non trẻ. Việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại như sản phẩm du lịch chưa đa dạng, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đa số quy mô nhỏ, công tác xúc tiến quảng bá xúc tiến du lịch chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn hạn chế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 xác định du lịch là trụ cột phát triển kinh tế-xã hội. Đến năm 2025, phấn đấu đón 8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Tỉnh đang tiếp tục xúc tiến và đẩy mạnh phát triển Du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về tài nguyên du lịch, tỉnh Bình Định có nhiều cái nhất. Các điều kiện trong cuộc đua xây dựng, phát triển, định vị du lịch Bình Định đã sẵn sàng. Trong bối cảnh hậu Covid-19, Bình Định hoàn toàn có thể chớp thời cơ, nâng tầm, phát triển ngành du lịch. Theo đó, tỉnh phải có chiến lược phát triển thu hút du khách, các phân khúc dịch vụ du lịch từ thấp lên cao và có kỳ hạn, mục tiêu cụ thể. Trước mắt, phải kích hoạt du lịch nội địa đúng kiểu, an toàn đúng kiểu sẽ tạo niềm tin, hút khách du lịch quốc tế.

Một điểm quan trọng khác là Bình Định cần liên kết phát triển vùng, cụ thể là với các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, trong đó Bình Định đóng vai trò trung tâm, lan tỏa. Với điều kiện hạ tầng hiện có và vị trí địa lý, giao thông đặc trưng, Bình Định có thể làm tốt điều này, kết nối với các tỉnh, tạo ra thêm nhiều tour, điểm đến, dịch vụ hấp dẫn. Bên cạnh đó, Bình Định cũng phải xác định, tổ chức được các sự kiện, lễ hội mang tầm quốc gia thường xuyên, liên tục, để định vị, đóng vai trò quốc gia trong hệ thống du lịch toàn quốc, điều này sẽ trở thành tọa độ ưu tiên chính sách phát triển du lịch. Quan trọng nhất là tỉnh cần tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tàu để phát triển các dịch vụ du lịch.

Ông Trần Đình Thiên cũng lưu ý, ngoài khai thác thì tỉnh Bình Định cũng phải biết gìn giữ, bảo tồn những giá trị, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan. Đảm bảo tính kế thừa, kết nối giữa lịch sử với hiện tại để phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (hàng đầu, bên phải) ký kết biên bản hợp tác với các hãng hàng không

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tặng hoa cho đại diện các hãng hàng không

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận, thảo luận tác động của đại dịch Covid-19 đến du lịch, thực trạng và giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng trong tình hình mới. Nhận diện thời cơ, thách thức và giải pháp của du lịch Bình Định để trở thành điểm đến an toàn-thân thiện-hấp hẫn trong tình hình mới. Vai trò của hàng không trong liên kết phát triển du lịch, thực trạng và giải pháp. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch, một lĩnh vực tỉnh còn thiếu, công tác quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch, điểm đến Quy Nhơn-Bình Định ra thị trường quốc tế…

Ông Nguyễn Lê Phúc Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Bình Định cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới.

Trong khuôn khổ hội thảo, lãnh đạo tỉnh Bình Định và các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Viettravel Airlines đã ký kết chương trình hợp tác chiến lược giai đoạn 2022-2026./.

 

 


Tác giả: LKY

Tin nổi bật Tin nổi bật