A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 7/11, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về kết quả thực hiện nhiệm vụ 10 tháng và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2022, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những năm tiếp theo. Đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, 10 tháng đầu năm nay, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Ngành đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Các chương trình cánh đồng lớn, các dự án liên kết sản xuất lúa giống tại một số địa phương đem lại hiệu quả cao. Tổng sản phẩm khu vực Nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,2-3,4%; trong đó, trồng trọt tăng 2,16%; chăn nuôi tăng 4,79%; lâm nghiệp tăng 3,26%; thủy sản tăng 2,31%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,9%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh duy trì 100%. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp &PTNT đã đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 83/113 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 73,4% số xã; có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 6,19% số xã; và có 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 45,45%.

Bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp rất nhiều khó khăn: Thời tiết diễn biến bất thường cuối vụ Đông Xuân 2021-2022 đã làm giảm năng suất, chất lượng nông sản; giá cả nhiên nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro… dẫn đến công tác tái đàn còn chậm, bà con nông dân chưa thật sự an tâm đầu tư. Trong khi đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cũng như thực hiện các dự án liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh, tiêu thụ nông sản đảm bảo hiệu quả và bền vững… cần có sự tham gia của các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố…

Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh 4 nhóm vấn đề như chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ, chế biến, bảo quản nông sản đầu tư để có cơ sở xây dựng các dự án liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả, bền vững; quan tâm kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh theo kế hoạch đã ban hành và xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí để mua thiết bị triển khai thí điểm Nhật ký khai thác điện tử cho các tàu cá đánh bắt xa bờ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò của ngành nông nghiệp trong phát triển KT-XH của địa phương, đặc biệt là trong công tác triển khai phòng chống lụt bão thời gian qua và sự phối hợp với Sở Công Thương trong triển khai chỉ số phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả và tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp và PTNT trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành cần triển khai một số nhiệm vụ:

Trước tiên, tập trung tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh chuyển từ bị động sang chủ động bằng các yếu tố đầu vào (giống, phân, thuốc trừ sâu) và dự báo đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Nông nghiệp phải tạo được đột phá trong hoạt động sản xuất, phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm 2023 và cả 3 năm (2023-2025). Trong đó, cần tạo ra đột phá trong năm 2023 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng KHCN, nhất là sản xuất giống cây trồng, vật nuôi mới; tăng cường chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ trên cơ sở liên kết 4 nhà; bảo đảm chất lượng nông lâm thủy sản tiêu dùng và xuất khẩu; đặc biệt là sản phẩm của ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cần ứng dụng công nghệ cao với quy mô tập trung, tránh manh mún nhỏ lẻ. Trên lĩnh vực khai thác hải sản, cần rà soát, chọn lọc đội tàu đánh bắt xa bờ có năng lực thực sự, tăng cường hỗ trợ bà con ngư dân về thông tin liên lạc, nhất là giữa các tàu đang hoạt động ngoài khơi, để vừa khai thác hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời phải bảo đảm công tác hậu cần nghề cá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác hải sản.

Về chăn nuôi, chú trọng vào chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường.

Đối với lâm nghiệp cần chuyển diện tích trồng keo sang trồng cây ăn quả và phát triển cây gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ vốn là thế mạnh của Bình Định, tăng thu nhập cho người trồng rừng và giá trị công nghiệp chế biến.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, Bình Định còn nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp so với các địa phương khác trong cả nước, do đó phải nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh xứng với tiềm năng và lợi thế. Đề ra mục tiêu năm 2023 phải tạo dư địa cho nông nghiệp Bình Định tăng trưởng đạt tốc độ 4%, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành có liên quan như: Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng UBND tỉnh phải lưu ý các đầu việc lớn của Sở NN&PTNT, từ đó chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với ngành nông nghiệp để xây dựng chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 và 3 năm (2023-2025) thật cụ thể, chi tiết; được phân giao đến từng địa phương cấp huyện và cấp xã, kèm theo các giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo tính khả thi.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sự phát triển của ngành nông nghiệp luôn có sự tác động với nhiều ngành khác; bởi vậy, các sở, ngành hữu quan cần phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ cho nông nghiệp tăng trưởng; khi đó, ngành nông nghiệp sẽ cung cấp nông sản hàng hóa và nguyên liệu phục vụ chế biến cho ngành công thương; giải quyết việc làm cho ngành lao động; tạo nguồn thu cho ngành tài chính…Quan điểm xuyên suốt là tất cả cùng chung tay cho sự phát triển của Bình Định./.     


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật