|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 29/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 4 sang Việt Nam. 

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, các thành viên Ban chỉ đạo chống khai thác IUU và lãnh đạo các địa phương ven biển của tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định.

Trong thời gian qua, Việt Nam tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng", gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật.

Đôi với khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia và ban hành văn bản chỉ đạo địa phương tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên. Tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho phép cải hoán tàu cá có chiều dài dưới 15 mét lên thành tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên từ ngày 20/12/2022. Rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương.

Đến ngày 29/8/2023 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, giảm 9.789 chiếc so với năm 2019. Trong đó trên 30.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, giảm 1.206 chiếc so với năm 2019. Đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt gần 98%.

Thông tin tại hội nghị, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính, nếu bị phạt "thẻ đỏ", Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm.  Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp "thẻ đỏ" thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Để gỡ được "thẻ vàng", lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự họp cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa phương trong việc quản lý và ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm. Các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi IUU.

Hội nghị trực tuyến điểm cầu các tỉnh

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu rõ việc EC cảnh báo "thẻ vàng" khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài EU.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch trong đó nêu rõ những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến làm việc; chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mục tiêu không để có tàu cá nào bị bắt ở nước ngoài. Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đánh giá sự quyết liệt chưa đồng đều, có những địa phương quản lý tốt tàu cá ra vào bến và nâng cao được tỉ lệ truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác như Cà Mau, nhưng cũng còn những địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý các khuyến nghị của đoàn thanh tra EC.

* Ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm với các thành viên Ban chỉ đạo và các địa phương ven biển trong chống khai thác IUU.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo ngành chức năng tập trung vào 2 vấn đề ưu tiên trước mắt là ngăn chặn, đảm bảo không để tàu cá xuất bến ở Bình Định vi phạm IUU và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đúng quy định. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lực lượng Biên phòng, các địa phương rà soát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% tàu ra, vào bến trong thời gian cao điểm, phát hiện dấu hiệu nghi ngờ không cho ra khơi. Các tàu trên 15m ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình phải xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, kiểm soát, kiểm tra chặt nhật ký khai thác để ngăn chặn việc mua bán hải sản không rõ nguồn gốc hợp thức hóa mà về bờ. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục làm việc với địa phương nơi có tàu cá Bình Định neo đậu để phối hợp tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để ngư dân đồng thuận, quyết tâm chống khai thác IUU.

Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở NN&PTNT nghiên cứu, quy hoạch nuôi trồng thủy sản ven bờ và nuôi biển thích hợp vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa giảm áp lực khai thác, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, các địa phương nghiên cứu phương án, tính toán việc chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho người dân ở các địa phương ven biển.


Tác giả: Thùy Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật