|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trách nhiệm, tích cực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 20/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, TP Quy Nhơn, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và 11 địa phương trong toàn tỉnh. Dự hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Bình Định còn có lãnh đạo các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Bình Định

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, được Trung ương và các địa phương hy vọng sẽ mang lại sự thay đổi lớn đến các đối tượng yếu thế trong xã hội và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của cả đất nước. Tuy nhiên, hiện các chương trình đang triển khai chậm, mang lại hiệu quả chưa đáng kể. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Chúng ta cơ bản đến hết nhiệm kỳ này là năm 2025 phải đạt được kết quả như mong muốn, mục tiêu là rất lớn. Tuy nhiên, qua nửa chặng đường về thời gian nhìn nhận lại kết quả nói chung là không đáng kể cho nên thật sự rất lo lắng, có thể có nhận xét ban đầu là: vì đây là chương trình tích hợp của rất nhiều chương trình nội dung và có yêu cầu là phải lồng ghép nên việc ứng xử với các quy định của pháp luật như thế nào cho đúng là rất khó. Nếu địa phương nào tạm gọi là giàu có mà thực hiện 3 chương trình này bằng nguồn vốn của mình thì triển khai rất là nhanh. Ví dụ trong khu vực như thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đã giải ngân được 93,5% kế hoạch năm, các địa phương còn lại khi sử dụng vốn ngân sách của Trung ương với rào cản cực kỳ rắc rối về thủ tục, rất khó triển khai. Cho nên vấn đề quan trọng nhất hôm nay là chúng ta trao đổi để nắm thêm thông tin, ở phía chúng tôi cần phải sửa cái gì để các đồng chí có thể làm được, chúng ta phải chạy đua theo thời gian trong khoảng thời gian còn lại. 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên 

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39.019 tỷ đồng cho các địa phương thuộc Vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương. Về tình hình giải ngân, đến hết ngày 30/6/2023, vốn giải ngân 3 chương trình của các địa phương trong vùng hơn 2.055 tỷ đồng, đạt hơn 21,6% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 6,53% so với trung bình cả nước.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các địa phương trong Vùng đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Các chương trình được phê duyệt và quy định tỷ lệ vốn đối ứng sau thời điểm quyết định kế hoạch vốn trung hạn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương. Do đó, việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định là rất khó đảm bảo. Việc huy động đóng góp về tiền hiện vật và ngày công lao động của nhân dân để thực hiện chương trình trên địa bàn các huyện, các xã còn khó khăn.

Nguồn vốn sự nghiệp được giao theo từng năm và phân theo hạng mục chi tiết làm cho địa phương khó khăn trong việc xác định mục tiêu của giai đoạn và chuyển đổi vốn giữa các nội dung trong chương trình để thích ứng với điều kiện thực tế. Do vậy, chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình. Đồng thời, chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ để khích lệ, động viên cán bộ nên vấn đề tham mưu thực hiện các chương trình chưa cao, thiếu chiều sâu.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình ở các địa phương chưa đồng đều. Do đó, một số nơi gặp khó khăn khi triển khai các nội dung như: Giao xã làm chủ đầu tư, cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Ông Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia ý kiến tại hội nghị về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trọng tâm là việc chậm phân bổ vốn thực hiện làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; một số bộ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong từng chương trình dẫn đến các địa phương lúng túng, khó khăn trong triển khai… Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lo lắng nhiều về việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia ở các địa phương, hiện có địa phương mới chỉ giải ngân vốn được 8% và gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là ở các quy định.

Để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các địa phương phải trách nhiệm, tích cực và quyết liệt hơn nữa trong triển khai. Đồng thời, khi có vướng mắc cần nên hỏi các bộ, ngành hoặc học tập từ các địa phương làm tốt trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng chí Trần Lưu Quang lưu ý “Tất cả các văn bản trao đổi qua lại giữa các bộ ngành trung ương với các địa phương từ nay gửi thêm địa chỉ là Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Tôi sẽ có trách nhiệm tổng hợp theo dõi xem việc hỏi và trả lời giữa các bộ, ngành, địa phương như thế nào. Tôi thêm việc nhưng cũng muốn chia sẻ với các đơn vị, địa phương. Nếu cố gắng và trách nhiệm thì việc gì khó cũng có cách gỡ được, còn cái gì cũng đổ thừa chưa có quy định chưa làm được thì việc không thể chạy được”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: các bộ, ngành cần kết nối tốt hơn với các địa phương, lắng nghe ý kiến từ các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, từ đó thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia; đồng thời cũng giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc thực hiện các văn bản quy định và tham gia vào việc sửa đổi các thông tư của các Bộ.

Nhấn mạnh trong điều kiện hết sức ngặt nghèo về thời gian, khó về triển khai thực hiện và trong tâm thế nhiều địa phương chưa sẵn sàng lắm với việc triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết Trung ương sẽ tiếp tục sửa và hướng dẫn nhanh nhất có thể những nội dung còn vướng mắc, cơ bản là trong Quý III. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các địa phương nên phân cấp việc cho các huyện nhưng phân cái gì cũng phải cân nhắc để không mất cán bộ. Đồng thời, lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia nguồn lực địa phương trong khả năng có thể và theo đúng quy định.


Tác giả: Thuỳ Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật