|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

(binhdinh.gov.vn) - Sáng nay (1/1), ngày đầu tiên của năm mới 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công. Lễ khởi công được triển khai đồng loạt tại 12 điểm cầu, trong đó điểm cầu trung tâm đặt tại Quảng Ngãi, 2 điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác, trong đó có Bình Định. Cùng dự lễ khởi công tại các điểm cầu có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan. 

Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự lễ khởi công tại điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi.

Tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, 1 trong 9 điểm cầu phụ, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn, thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia; Lê Hoàng Minh – Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, UBMTTQVN tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo và nhân dân 8 địa phương có đường cao tốc đi qua; lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 85 là chủ đầu tư dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn, cùng đại diện Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn – Binh đoàn 12 là đơn vị thi công.

Quang cảnh buổi lễ tại điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo của Bộ GTVT là chủ đầu tư, 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 có tổng chiều dài 729 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h, đi qua 15 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng.

12 dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc rốt ráo của các bộ ngành, các địa phương cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua. Nhờ đó, chỉ trong gần 1 năm, một khối lượng công việc lớn đã được giải quyết, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án, rút ngắn 1/2 thời gian làm thủ tục so với cách làm trước đây.

Đối với dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn đã được Bộ GTVT phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là 12.401 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại Km0+000 (điểm cuối của dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) thuộc địa phận phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn); điểm cuối tuyến tại Km70+091 (kết nối với điểm đầu dự án Quy Nhơn - Chí Thạnh), thuộc phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn. Tổng chiều dài tuyến khoảng 70,1 km, với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc cấp 120, vận tốc thiết kế 120 km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m; giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại Lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km. Đây là nhiệm vụ khó khăn, song tin tưởng chúng ta sẽ làm được với kinh nghiệm đã có, cùng quyết tâm, nỗ lực, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân. Thủ tướng cho rằng: "Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả".

Thủ tướng nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước, trong đó có ưu tiên cho các vùng khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Dự án cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội với đất nước, với mọi người dân trên mọi miền cả nước. Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km (quyết định đầu tư năm 2017) và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km (quyết định đầu tư năm 2021).

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện dự án sau lễ khởi công: Kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, nhưng thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức, như phải sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có các nơi đông dân cư, dễ phát sinh khiếu kiện; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương; việc thi công khối lượng rất lớn trên nhiều địa bàn khác nhau, trong thời gian không dài và chịu tác động của thời tiết.

Yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện dự án là: Bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; không được đội vốn, tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra; thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh về giá, nguyên vật liệu, nhân lực, thiết kế…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố có dự án đi qua phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chỉ đạo, thành lập các tổ công tác để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới mỏ vật liệu. UBND các tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, nơi canh tác mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ để người dân ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước…

Các lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và địa phương nhấn nút khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam tại điểm cầu Bình Định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, với quy mô rất lớn, đóng vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương.

Các phương tiện cơ giới chuẩn bị cho lễ khởi công

Đối với Bình Định, nơi diễn ra lễ khởi công dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, nhà thầu xây lắp là Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn – Binh đoàn 12, cũng nêu cao quyết tâm thực hiện dự án, ngay sau lễ khởi công.

Các phương tiện cơ giới chuẩn bị cho lễ khởi công

Theo kế hoạch, Dự án sẽ thực hiện trong thời gian dự kiến 34 tháng, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2025. Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam khi đưa vào sử dụng sẽ là tuyến đường có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị trong cả nước nói chung; các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ nói riêng; góp phần nối thông cao tốc từ Bắc vào Nam, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng./.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật