|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng họp trực tuyến với 8 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 5/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với 8 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ. Dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Dự và chủ trì cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo tại cuộc họp, từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11/2021, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 6 đợt mưa lớn trên diện rộng, với tổng lượng mưa phổ biến từ 2.000 đến 3.500mm. Đặc biệt là đợt từ ngày 27/11 đến ngày 1/12 trên các sông Bình Định, Phú Yên lũ lớn tương đương các năm 2013, 2016, 2017 và gần ở mức lịch sử, gây ngập lụt trên diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi. Trong đợt mưa lũ này đã làm 19 người chết, mất tích; hơn 50 nhà bị sập, đổ, hư hỏng; hơn 2.650 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hơn 74.500 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 252 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 3 tàu cá và 2 xà lan bị chìm. Cùng với đó là hơn 80.000 km kè, kênh mương hư hỏng; 261km đường giao thông bị sạt lở.

Tại Bình Định, trong tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 đợt lũ lớn; riêng đợt lũ từ ngày 27/11 đến 30/11 là lớn nhất và tương đương với lũ năm 2016. Lượng mưa 4 ngày trung bình 428mm; có nơi mưa lớn đến hơn 820mm. Ngập lụt diện rộng tại 52 xã, phường, thị trấn của 10/11 huyện, thị xã, thành phố, với khoảng 31.378 nhà dân bị ngập nước. Về thiệt hại: có 3 người chết, 2 người bị thương; 27 nhà bị sập; 12 điểm sạt lở đất. Hơn 2.700 ha lúa, 670ha hoa màu bị ngập; 91,2 ha ruộng bị sa bồi, thủy phá. Hơn 25.700 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. 5.795m đê, kè, 39.422m kênh mương, 15.990m bờ sông, bờ suối bị sạt lở, hư hỏng. Hơn 28.360m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, 1 cầu bị hư hỏng nặng không thể tổ chức giao thông qua lại được. Tổng thiệt hại sơ bộ qua các đợt mưa lũ là khoảng 360 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho biết, trước, trong và sau các đợt mưa lũ, tỉnh Bình Định đã có sự chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời, nhất là thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Do đó, dù tính chất các đợt mưa lũ lần này có sự phức tạp, quy mô lớn, tuy nhiên, thiệt hại về người và tài sản được kéo giảm. Sau lũ lụt, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức khắc phục ngay các điểm sạt lở, ách tắc giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất, ổn định đời sống cho người dân; xử lý môi trường, chủ động kiểm soát bệnh tật phát sinh sau lũ lụt. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Bình Định 200 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại sau thiên tai; hỗ trợ 2.000 tấn gạo cứu đói cho vùng ngập lụt; đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 20 tấn hóa chất phòng ngừa dịch bệnh phát sinh do ảnh hưởng môi trường sau lũ. Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cũng kiến nghị Chính phủ có những giải pháp cơ bản phòng ngừa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, trong đó có Bình Định, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thiên tai ngày càng cực đoan.

Tỉnh Bình Định đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành Đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh miền Trung giai đoạn 2022 – 2026; đề xuất Chính phủ quan tâm đầu tư xây mới hồ chứa nước Suối Lớn (Vân Canh) trên lưu vực sông Hà Thanh, dung tích khoảng 20 triệu m3 đề cắt lũ, giảm lũ cho thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận; nâng cấp để tăng dung tích 2 hồ chứa nước Định Bình (từ hơn 226 triệu m3 lên 370 triệu m3), Núi Một (từ 110 triệu m3 lên 150 triệu m3) sẽ góp phần tăng hiệu quả cắt lũ đối với lưu vực sông Côn. Đồng thời, xây dựng mới và mở rộng các tuyến đập trên các con sông: Đập Thạch Đề, Hạ Bạc, Thạch Hòa 2, Bảy Yển, Cây Dừa, Lạc Trường để tăng cường khả năng thoát lũ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất có các chính sách riêng để hỗ trợ cấp đất ở khẩn cấp cho người dân khi di dời vùng sạt lở và thường xuyên bị ngập lụt... ; hỗ trợ an sinh và sinh kế cho người dân khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để quy hoạch lại các khu vực chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ trong lưu vực của các hồ chứa nước lớn, qua đó góp phần điều hòa dòng chảy. Đề nghị Bộ GTVT kiểm tra bổ sung, điều chỉnh các công trình trên quốc lộ và các tuyến đường tránh, cầu trên tuyến quốc lộ... để  đảm bảo tiêu thoát lũ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với 8 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Sau khi nghe báo cáo của các địa phương và các Bộ, ngành Trung ương, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp, chính quyền địa phương và các lực lượng công an, quân đội trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của các đợt mưa lũ lớn vừa qua tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tình hình mưa lũ ngày càng có diễn biến khó lường, không tuân theo quy luật, do đó tại nhiều địa phương vẫn còn có sự bị động, chủ quan dẫn đến thiệt hại về người do đi lại bất cẩn trong mưa lũ; cùng với đó là công tác phối hợp vận hành, điều tiết lũ tại các hồ chứa vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Đây là những bài học kinh nghiệm cần được các Bộ, ngành và các địa phương khắc phục trong thời gian tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành và các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời; tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai, không để bị động, bất ngờ, nhất là chuẩn bị lực lượng 4 tại chỗ và nâng cao ý thức người dân; nâng cao hiệu quả phối hợp trong vận hành, điều tiết lũ tại các hồ chứa. Trước mắt các địa phương khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, màn trời chiếu đất, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, không để dịch phát sinh, lây lan, đảm bảo vệ sinh môi trường, khôi phục hệ thống giao thông, các công trình thiết yếu và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Về lâu dài, Thủ tướng Chính phủ tán thành đề xuất xây dựng Đề án phòng chống thiên tai lũ lụt chung cho các vùng trên cả nước, trong đó tính toán đặc thù riêng cho khu vực các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Trên cơ sở đề án này có các dự án cụ thể và tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống thiên tai. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng ý hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh trong đó có Bình Định 1.000 tấn gạo, đồng thời giao các bộ, ngành phối hợp rà soát, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của địa phương./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật