Từ 22/12/2022 đến 12/3/2023: Tập trung triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 22/12/2022, UBND tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 4345/QĐ-UBND Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023.
Mục tiêu cụ thể là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cấp huyện, xã; tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở, làng nghề chế biến thực phẩm. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Toàn tỉnh tập trung phổ biến, tuyên truyền Kế hoạch; tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo đảm chất lượng ATTP, tạo chuyên mục, chuyên đề, diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất kinh doanh thực phẩm theo quy định, về quản lý ATTP nơi diễn ra Lễ hội, quản lý ATTP theo tình hình thực tế của từng địa phương. Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2023.
Trước, trong, sau Tết và Lễ hội, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, các cơ quan, đơn vị, thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các Lễ hội, như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm... Trong đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng hết hạn sử dụng. Các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý.
Các đoàn kiểm tra, thanh tra khi phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục.
Để đảm bảo việc xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, thuốc, vật tư, hóa chất để cấp cứu, điều trị, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, nắm chắc thông tin và kịp thời điều tra, báo cáo, xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Kết thúc đợt triển khai, các sở, ngành liên quan và các địa phương báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan./.