A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND tỉnh kiến nghị Văn phòng Chính phủ đối với việc cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp trên một số lĩnh vực

(binhdinh.gov.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã ký Báo cáo số 185/BC-UBND ngày 09/10/2023 kiến nghị Văn phòng Chính phủ đối với việc cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp đối với 10 thủ tục hành chính thuộc 05 lĩnh vực

Theo đó, 10 thủ tục hành chính thuộc 05 lĩnh vực được UBND tỉnh kiến nghị cắt giảm Phiếu lý lịch tư pháp, bao gồm:

- Trong lĩnh vực Nội vụ, cắt giảm thành phần hồ sơ là “Phiếu lý lịch tư pháp” đối với các thủ tục hành chính về tuyển dụng công chức, viên chức, bao gồm: (i) “Xét tuyển viên chức”, (ii) “Thi tuyển viên chức”, (iii) “Xét tuyển công chức” và (iv) “Thi tuyển công chức” vì theo khoản 1 Điều 9 Thông tư số 11/2012/TT-BNV và khoản 1 Điều 10 Thông tư số 07/2019/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã quy định việc xây dựng hồ sơ, thành phần hồ sơ đối với công chức, viên chức tuyển dụng lần đầu quy định có Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp

- Trong lĩnh vực Xây dựng, cắt giảm thành phần hồ sơ là “Phiếu lý lịch tư pháp” đối với thủ tục “Bổ nhiệm giám định viên tư pháp xây dựng đối với cá nhân khác không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng” nếu trường hợp giám định viên là công chức, viên chức.

- Trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cắt giảm thành phần hồ sơ là “Phiếu lý lịch tư pháp” đối với thủ tục “Cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề thú y thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh (gồm tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật, buôn bán thuốc thú y)” nếu trường hợp người được cấp chứng chỉ hành nghề thú y là người nước ngoài quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 109 Luật Thú y.

- Trong lĩnh vực Tư pháp, cắt giảm thành phần hồ sơ là “Phiếu lý lịch tư pháp” đối với  03 bao gồm: (i) “Bổ nhiệm và cấp thẻ Giám định viên tư pháp”, (ii) “Bổ nhiệm và cấp thẻ Giám định viên tư pháp cấp tỉnh” và (iii) “Bổ nhiệm Công chứng viên đối với Phòng Công chứng” đối với trường hợp giám định viên tư pháp, công chứng viên của Phòng Công chứng là công chức, viên chức vì đối tượng này tuyển dụng lần đầu quy định có Phiếu lý lịch tư pháp.

- Trong lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội, cắt giảm thành phần hồ sơ là “Phiếu lý lịch tư pháp” đối với thủ tục “Đăng ký hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn” vì theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, thành phần hồ sơ không bao gồm “Phiếu lý lịch tư pháp”.

Trướng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có nội dung: “không yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp; có các giải pháp phù hợp, hiệu quả ngăn chặn tình trạng yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp gây khó khăn, phát sinh chi phí; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định pháp luật gây khó khăn, phát sinh chi phí cho người dân”./.


Tác giả: Dũng Linh

Tin nổi bật Tin nổi bật