A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng hình ảnh “Chính quyền tỉnh Bình Định thân thiện trong phục vụ người dân, doanh nghiệp”

(binhdinh.gov.vn) - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo đáng chú ý của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định tại Thông báo số 218/TB-UBND ngày 31/5/2024 về kết luận phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo đối với kết quả các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp cải thiện kết quả năm 2024

Theo đánh giá của của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo: nhìn chung, kết quả năm 2023 của 04 Chỉ số nêu trên đã có sự cải thiện về mặt điểm số so với năm 2022, dần tiến tới hoàn thành mục tiêu của Chương trình hành động 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, Chỉ số PAPI xếp vị trí thứ 19/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 18 bậc; Chỉ số PAR Index, xếp vị trí thứ 31/63, tăng 02 bậc; Chỉ số SIPAS xếp vị trí thứ 20/63, tăng 01 bậc và Chỉ số PCI xếp vị trí thứ 25/63, giảm 04 bậc.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số lĩnh vực thành phần của các Chỉ số có sự tăng trưởng hạn chế, thiếu tính ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, công sức, kết quả thực hiện cải cách hành chính trong thời gian qua của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh (như: quản trị điện tử; quản trị môi trường; xử lý phản ánh, kiến nghị và giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực đất đai; an ninh trật tự ở cơ sở…). Ngoài một số nguyên nhân mang tính khách quan, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Nhiều cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương (đặc biệt là cấp xã) vẫn chưa nắm rõ nội dung đánh giá của các Chỉ số; từ đó có tâm lý chủ quan, thực hiện chưa nghiêm túc, không đầy đủ các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ, phục vụ hành chính cho người dân, doanh nghiệp, dẫn đến một số lĩnh vực khảo sát của các Chỉ số chưa nhận được sự đồng thuận, hài lòng cao của người dân, doanh nghiệp; Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp thiếu thông tin nên đánh giá chưa sát với tình hình thực tế do công tác công khai, minh bạch, truyền thông chính sách chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thực hiện hiệu quả.

 Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện kết quả các Chỉ số PAR index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh trong năm 2024; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc vai trò, ý nghĩa của công tác cải cách hành chính, thay đổi triệt để nhận thức, thái độ, cung cách giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng hình ảnh “Chính quyền tỉnh Bình Định thân thiện trong phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thông qua kết quả đánh giá các Chỉ số nêu trên là cơ sở quan trọng để xem xét, đánh giá phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, nhất là đối với Người đứng đầu trong thời gian tới, trước mắt là trong năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch cải thiện, nâng cao kết quả các Chỉ số PAR index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh trong năm 2024. Trong đó, nội dung Kế hoạch phải đáp ứng các yêu cầu: cải cách hành chính vì mục tiêu phát triển bền vững, không chạy theo thành tích; khắc phục hiệu quả, thực chất từng vấn đề còn tồn tại, hạn chế được người dân, doanh nghiệp đánh giá; gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; có cơ chế theo dõi, quản lý, tổng hợp thông tin để báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình, kết quả thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/6/2024.

Đồng thời, giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng chương trình, kịch bản và chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Hội nghị theo hình thức trực tiếp (mời đại biểu đến cấp xã) để Ban Chỉ đạo quán triệt công tác triển khai thực hiện Kế hoạch trong tháng 6 năm 2024.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tiếp yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh phải thể hiện trách nhiệm nêu gương, vai trò dẫn dắt của Người đứng đầu, năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt và hoàn thành tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan cũng như nhiệm vụ được phân công cho cá nhân phụ trách theo quy định tại “Quy chế tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo” ban hành kèm theo Quyết định số 76/QĐ-BCĐ ngày 21 tháng 5 năm 2024 của Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh./.


Tác giả: Dũng Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật