Bảo tồn 56 nguồn gen một số loài thực vật, vi sinh vật, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Bình Định
(binhdinh.gov.vn) - Bình Định là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ với địa hình tương đối phức tạp, đa dạng và được phân thành 3 vùng chính: đồng bằng, trung du và miền núi. Với điều kiện tự nhiên như vậy, Bình Định có sự phong phú về các loài động vật, đa dạng các loài thực vật với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu, đặc biệt là nguồn gen thực vật, cây trồng; tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý các nguồn gen quý, hiếm, nhất là các loài gen mang đặc trưng của địa phương, có giá trị kinh tế cao.
Giống Lan Đại Châu của Bình Định
Tuy nhiên, ngày nay, khi hệ sinh thái đang bị khai thác quá mức để cung cấp lương thực, thực phẩm và các sản phẩm dịch vụ khác cho con người do sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp. Sự suy giảm về đa dạng sinh học sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, mất dần các nguồn gen quý, hiếm của động, thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tự nhiên, xã hội và tác động trực tiếp tới cuộc sống của con người theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt, một số loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như các loài linh trưởng đặc hữu, một số loài rùa biển…; các giống cây trồng có đặc trưng bản địa có nguồn gen quý, có giá trị kinh tế cao đang có nguy cơ thoái hóa, lẫn tạp và khả năng biến mất trong tự nhiên; các loài động, thực vật ngoại lai xâm nhập và phát triển do môi trường sống thay đổi; các hệ sinh thái, các sinh cảnh cần thiết cho các loài di cư hoặc các loài nguy cấp có phân bố hẹp, các loài đặc hữu sẽ bị tuyệt chủng hoặc thu hẹp; một số khu bảo 5 tồn cảnh quan có tầm quan trọng về kinh tế - xã hội, văn hóa và khoa học bị mất hoặc bị thu hẹp. Căn cứ chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành Trung ương; xuất phát từ yêu cầu thực tế và nguy cơ giảm dần các loài động vật, thực vật, vi sinh vật, việc xây dựng “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Bình Định đến năm 2025” nhằm đạt được mục tiêu vừa bảo tồn, vừa khai thác có hiệu quả các nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2025 trở nên quan trọng và cấp thiết.
Mục tiêu của Đề án, bảo tồn 56 nguồn gen một số loài thực vật, vi sinh vật, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong đó chú trọng thu thập và đánh giá hiện trạng bảo tồn 50 nguồn gen vi sinh vật và 06 nguồn gen thực vật đặc hữu, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Bình Định. Xác định được các yếu tố sinh thái, điều kiện môi trường ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của 50 nguồn gen vi sinh vật và 06 nguồn gen thực vật đặc hữu, có giá trị kinh tế cao. Xây dựng các mô hình nhằm duy trì bảo tồn, phát triển 50 nguồn gen vi sinh vật và 06 nguồn gen thực vật đặc hữu, có giá trị kinh tế cao. Đề xuất một số biện pháp bảo tồn, phát triển 50 nguồn gen vi sinh vật và 06 nguồn gen thực vật đặc hữu, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến kết quả của Đề án là bảo tồn 50 nguồn gen, cụ thể: 20 nguồn gen vi sinh vật có hoạt tính cố định nitơ, hòa tan kali, đối kháng bệnh vùng rễ trên cây trồng; 20 nguồn gen vi sinh vật có khả năng phân giải xenlulo, sinh hoạt chất kháng sinh tự nhiên, chất kích thích sinh trưởng có triển vọng trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xử lý ô nhiễm môi trường; 10 nguồn gen vi khuẩn/xạ khuẩn sinh kháng sinh có giá trị trong y dược.
Nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen thực hiện ở cấp tỉnh bảo tồn nguồn gen một số giống lương thực, cây trồng và giống hoa đặc trưng tại địa phương: 06 nguồn gen, cụ thể Giống lúa cạn/rẫy: Tà Bul, Ba Băk, BaTrăng, H’Ngok; Giống ngô nếp (nương rẫy); Giống nếp Ngự thuần; Giống sắn ngọt bỡ địa phương; Cây Dừa nước; Lan Đại Châu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang giao Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án./.
LKY