A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT: Chuẩn bị chu đáo để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) 2011-2012. P.V Báo Bình Định phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, về vấn đề trên.

* Xin ông cho biết công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị bước vào sản xuất ĐX đã được ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai như thế nào?

- Mùa mưa lũ năm nay, tuy lượng mưa so với mọi năm là tương đối thấp, song trong tháng 10 và 11 trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra hai đợt mưa lũ gây sạt lở các đoạn đê sông, đê biển, kênh mương thủy lợi tại các huyện Phù Cát, An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tuy Phước…

Để triển khai sản xuất vụ ĐX đúng kế hoạch, ngay sau khi nước lũ rút, Sở NN-PTNT đã thành lập ba đoàn công tác đến các địa phương vùng lũ phối hợp cùng chính quyền và nhân dân tập trung khắc phục hệ thống đê sông, kênh mương thủy lợi; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân về lịch thời vụ gieo sạ, cơ cấu giống cây trồng, phòng trừ chuột, các loại sâu bệnh thường xảy ra trong vụ sản xuất ĐX…

Đến thời điểm này, các đơn vị quản lý thủy lợi, các địa phương cũng cơ bản khắc phục xong tình trạng sạt lở trên các đoạn đê sông, đê biển, hệ thống kênh mương nội đồng, tổ chức nạo vét cát sa bồi… để triển khai sản xuất đúng thời gian quy định, tạo điều kiện giúp nông dân yên tâm bước vào vụ sản xuất mới.

* Vấn đề cung ứng lúa giống cho nông dân đã được chuẩn bị như thế nào?

- Trong vụ sản xuất ĐX 2011-2012, theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ gieo sạ trên 47.000 ha lúa, trong đó, chân sản xuất 2 vụ 18.000 ha, chân 3 vụ 29.000 ha. Để đảm bảo lượng giống cung cấp cho nông dân sản xuất theo đúng cơ cấu quy định, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng tỉnh có biện pháp mua và cung ứng đủ lượng giống lúa cho nông dân. Hiện Trung tâm Giống và các địa phương đã chuẩn bị được khoảng 1.000 tấn giống, số còn lại Trung tâm đang liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trong và ngoài tỉnh để cung ứng.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã đăng ký với Sở NN-PTNT mua gần 260 tấn giống lúa lai để cung ứng cho nông dân gieo sạ gần 5.000 ha gồm các giống: Nhị Ưu 838, D. Ưu 527, N. Ưu 69, PAC 807, BTE-1, Bio 404… Để hỗ trợ nông dân đưa lúa lai vào gieo sạ trong vụ ĐX 2011-2012, UBND tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ 25% giá giống, các huyện tùy tình hình thực tế hỗ trợ thêm từ 10-30% giá giống lúa lai. Như vậy, nông dân chỉ phải trả khoảng 50% giá giống lúa lai trong vụ sản xuất ĐX này. Riêng các huyện miền núi như Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% giá giống lúa lai.

Về giá cả các giống lúa trước vụ sản xuất ĐX năm nay ít có sự biến động, giá ổn định, nguồn cung tương đối dồi dào. Hiện ngành đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng tỉnh cung cấp kịp thời các giống lúa đến các địa phương để nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Với các giống lúa lai, vụ sản xuất ĐX năm nay ngành chủ trương đưa các giống lúa lai được sản xuất trong nước để cung ứng cho nông dân. Rút kinh nghiệm các năm trước, đưa các giống lúa lai được sản xuất từ nước ngoài vào gieo sạ thường gặp các vấn đề về tính thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên mang lại năng suất thấp…

* So với mọi năm, lịch thời vụ và cơ cấu giống trong vụ ĐX này có gì khác, thưa ông?

- Về lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa vụ ĐX 2011-2012 so với năm trước không có gì thay đổi. Đối với chân 3 vụ lúa, ngành yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung xuống giống từ ngày 1.12 đến 10.12 để lúa trỗ tập trung sau ngày 15.2. Đối với chân 2 vụ lúa, tập trung gieo sạ từ ngày 10.12 để lúa trỗ tập trung từ sau ngày 5.3, nhằm tránh thời tiết bất lợi.

Về cơ cấu giống, các giống lúa chủ lực được đưa vào cơ cấu sản xuất vụ ĐX năm nay gồm: ĐV 108, ĐB 6, VĐ 8, Nhị Ưu 838, SH 2; các giống bổ sung gồm lúa thuần TBR 1, Q 5, VTNA 1, Xi 23, ĐB 1, ĐB5, Hương Cốm 1, AS 996; các giống lúa lai D.Ưu 527, BiO 404, BTE 1, N. Ưu 69… Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng kiên quyết loại khỏi cơ cấu giống lúa của tỉnh các giống như U Ải 32, Khang Dân 18, IR 13-2. Các giống này bị thoái hóa và nhiễm sâu bệnh nặng nên cần loại bỏ để tránh bị dịch bệnh bùng phát lây lan ra diện rộng.

* Việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân đã được chuẩn bị đến đâu, thưa ông?

- Với diện tích sản xuất trên 47.000 ha lúa trong vụ ĐX, theo tính toán, cần khoảng 30.000 tấn phân bón. Để đảm bảo nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa qua, ngành đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, các HTXNN, các đại lý buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh; các đơn vị đều khẳng định sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cấp cho nông dân. Do vậy, vấn đề vật tư nông nghiệp cho sản xuất vụ ĐX là không lo. Tuy nhiên, để việc kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo thanh tra ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về chất lượng, lợi dụng tăng giá để kiếm lãi cao…


Tin nổi bật Tin nổi bật