A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động phòng chống thiên tai”

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 04/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) toàn quốc năm 2021. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy cùng tham dự hội nghị (ảnh).

Theo báo cáo tại hội nghị, mặc dù trong năm 2020 thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã được các cấp, các ngành và người dân thực hiện một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng. Trong đó, có thể thấy, công tác dự báo cảnh báo, giám sát thiên tai có nhiều tiến bộ; hệ thống công trình phòng, chống thiên tai đã được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng đã dần được nâng cao; công tác chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành kịp thời, quyết liệt, đồng bộ bám sát yêu cầu thực tiễn; sự chủ động của người dân, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực... Hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai cũng được tập trung đẩy mạnh. Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại. Các cấp, các ngành chủ động xây dựng kịch bản khắc phục hậu quả trong kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm nên các thiệt hại được khắc phục một cách nhanh chóng. Ngoài sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội chữ thập đỏ, các tổ chức xã hội, đoàn thể đã vận động quyên góp được hàng trăm tỷ đồng hàng hóa và tiền mặt cứu trợ các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai…

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã báo cáo công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn các tài thuyền, phương tiện vận tải trước thiên tai, khôi phục các tuyến đường bị sự cố, sạt lở do bão, mưa lũ tại khu vực miền Trung; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn hạ du tại các khu vực miền Trung; công tác dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống thiên tai… Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống rét, công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất và công tác di dời, sắp xếp dân cư sau thiên tai; công tác ứng phó sạt lở bờ biển và bảo vệ rừng ngập mặn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá: Trong năm 2020, công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: thiệt hại tuy đã giảm song vẫn còn lớn, nhất là thiệt hại về người (357 người chết và mất tích); số người chết do sạt lở đất, lũ quét chiếm tỷ lệ cao; tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai chưa được khắc phục, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa; năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

“Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 có khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông; trong đó, 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.” - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.  

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan Trung ương tập trung nâng cao năng lực dự báo, theo dõi giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, chính xác; triển khai các biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng chống thiên tai; đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi giám sát thiên tai. Chú trọng công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục tăng cường trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai; ưu tiên bố trí ngân sách xử lý dứt điểm các công trình đê điều, hồ đập không đảm bảo an toàn; khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ, từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm. Chú trọng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên cho nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị công nghệ quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai.

Đối với các địa phương xảy ra thiên tai, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo đúng tình hình, chỉ đạo ứng phó kịp thời để khắc phục khẩn trương, có hiệu quả với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai và lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động phòng chống thiên tai.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật