|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: báo cáo tình hình quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập

(binhdinh.gov.vn)-Thực hiện Văn bản số 773/BKHĐT-ĐKKD ngày 11/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo tình hình quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập năm 2019; UBND tỉnh Bình Định báo cáo tình hình quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập năm 2019 trên địa bàn tỉnh, như sau:

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 74.200 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 10,6 tỷ đồng/doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có khoảng 700 chi nhánh, 190 văn phòng đại diện và 2300 địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn.

Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, tập trung ở các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, chế biến lâm sản, khoáng sản, xây dựng, du lịch, thương mại và dịch vụ,… tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành của tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Theo đó, thường xuyên có báo cáo Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ những vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp ở địa phương để kịp thời ban hành chính sách, biện pháp khắc phục.

Trong năm, UBND tỉnh đã tổ chức hai buổi đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm động viên các doanh nghiệp tiêu biểu, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp,... Đối với các vấn đề nóng như: đất đai, tài nguyên, môi trường”, UBND tỉnh đã thực hiện lịch tiếp doanh nghiệp định kỳ thường xuyên 2 lần/tháng để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các Sở, ngành của địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, triển khai sâu rộng và có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức như: Tổ chức các lớp học, các buổi phổ biến kiến thức pháp luật trực tiếp, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông: báo chí, đài phát thanh, truyền hình; phát hành các tờ rơi,... để phổ biến, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật nói chung, pháp luật về kinh doanh nói riêng cho người dân, người quản lý doanh nghiệp biết để tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp.

Việc tăng cường quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ doanh nghiệp. Cộng đồng xã hội và doanh nghiệp đã tham gia giám sát hoạt động của từng doanh nghiệp. Việc triển khai các nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau thành lập vừa có tác dụng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện kinh doanh đúng quy định pháp luật vừa đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển tốt.

Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cũng được thực hiện để hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động đúng quy định và xử phạt hành vi vi phạm pháp luật nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Năm 2019, tỉnh đã tiến hành 12 cuộc thanh tra tại 43 đơn vị, ban hành kết luận thanh tra 08 cuộc, phát hiện 16 đơn vị có sai phạm, trong đó sai phạm về kinh tế 5.268 triệu đồng và 2.194.277 m2 đất các loại; có 02 cuộc thanh tra liên quan đến 23 doanh nghiệp, đã ban hành kết luận thanh tra 02 cuộc, phát hiện 10 doanh nghiệp có sai phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 663 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh đã tiến hành 1.213 lượt kiểm tra độc lập và 288 cuộc thanh tra theo đoàn tại 1.136 lượt tổ chức và 3.187 lượt cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, các quy chế, quy định, quy chuẩn của Nhà nước trên các lĩnh vực. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 75 tổ chức và 2.070 cá nhân có vi phạm, sai phạm, trong đó, sai phạm về kinh tế 630 triệu đồng; kiến nghị xử lý thu hồi về cho Nhà nước 459 triệu đồng, xử lý hình thức khác 171 triệu đồng; ban hành 2.063 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 60 tổ chức và 2.003 cá nhân với số tiền phạt 5.280 triệu đồng. Kết quả đã thu về cho Nhà nước 5.443 triệu đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu báo cáo và ra Thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu đến giải trình 50 doanh nghiệp, có 9 doanh nghiệp giải trình và phục hồi hoạt động 8 doanh nghiệp. Thực hiện thu hồi 3 doanh nghiệp với hành vi vi phạm không tuân thủ quy định của Luật quản lý thuế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đều đã bị xử phạt vi phạm hành chính và đã được các cơ quan quản lý chuyên ngành hướng dẫn nhắc nhở việc khắc phục vi phạm nhằm đảm bảo các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, do đó không có trường hợp bị thu hồi, rút, đình chỉ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề…. đã cấp cho doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật