A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định chi gần 16,5 tỷ đồng cho Phòng chống dịch bệnh động vật

(binhdinh.gov.vn) - Năm 2021, tỉnh sẽ chi từ ngân sách gần 16,5 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn đàn gia súc, gia cầm và thủy sản.

Ảnh minh họa

Năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên thế giới và trong nước vẫn có nhiều diễn biến khó lường; cùng với đó tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh lớn, chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vẫn chiếm tỷ lệ cao, tình hình  thời tiết biến động thất thường do biến đổi khí hậu, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tỷ lệ tiêm phòng một số nơi còn thấp nên nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư; quản lý chăn nuôi, giết mổ và giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, giết mổ, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao và đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và những người liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, giảm số ổ dịch, giảm thiệt hại về kinh tế; phương châm lấy phòng bệnh là chính, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, bao vây khống chế, xử lý kịp thời không để các loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng; đảm bảo sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân; sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi phát sinh các dịch bệnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2021với  tổng kinh phí gần 16,5 tỷ đồng, từ  Ngân sách tỉnh 11,5 tỷ đồng, Ngân sách cấp huyện 4,5 tỷ đồng; trong đó chi 15 tỷ đồng mua vacxin để tiêm phòng.

Việc hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng cho gia súc được thực hiện theo cơ chế hỗ trợ Ngân sách tỉnh 100% đối với các huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh; 50% ngân sách tỉnh và 50% ngân sách huyện đối với các huyện, thị xã: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, An Nhơn, Hoài Nhơn; 75% Ngân sách tỉnh và 25% ngân sách huyện đối với huyện Hoài Ân; riêng Quy Nhơn chi 100% kinh phí mua vắc xin. Đối với vắc xin cúm gia cầm ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí.

Ngoài ra, về cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc, gia cầm xảy ra rủi ro do tiêm phòng và dịch bệnh được thực hiện theo Văn bản số 1163/UBND-KTN ngày 28/02/2014 của UBND tỉnh.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật