|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn

(binhdinh.gov.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kết quả Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, UBND tỉnh báo cáo kết quả tình hình phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh và đề ra phương hướng, nhiệm giai đoạn 2021-2025.

Phơi bún ở làng nghề truyền thống bún - bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn). Ảnh: HỨA THIỆN

Toàn tỉnh có 408 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Trong đó: Nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 68 doanh nghiệp, chiếm 16,7%. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 43 doanh nghiệp, chiếm 10,5%. Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn có 01 doanh nghiệp, chiếm 0,2%. Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 15 doanh nghiệp, chiếm 3,7%. Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 281 doanh nghiệp, chiếm 68,9%. Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề hầu hết các cơ sở làng nghề quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là loại hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể. Do vậy quy mô về vốn có trên 95% vốn bình quân 8,5 triệu đồng/hộ; có khoảng 3% cơ sở vốn bình quân 20-25 triệu đồng, cá biệt một số hộ vốn bình quân 3-5 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư chủ yếu tích lũy cơ sở.  Sản phẩm làng nghề khá đa dạng, thị trường tiêu thụ chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong tỉnh và các tỉnh lân cận (chiếm trên 90%), phần còn lại (khoảng 10%) được xuất khẩu ra nước ngoài thông qua ủy thác hoặc thông qua đường tiểu ngạch.

Về thực trạng phát triển làng nghề, tỉnh có 69 làng nghề với 8.124 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng gần 18.000 lao động; có 09 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận đạt theo các tiêu chí về phát triển ngành nghề nông thôn trong đó có 04 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và 05 làng nghề được công nhận làng nghề. Trong số các làng nghề đã được công nhận, có 03 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và 06 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.

Năm 2019, đã tổ chức xếp hạng phân sao sản phẩm OCOP lần thứ I, có 07 làng nghề có sản phẩm công nhận đạt hạng 4 sao: sản phẩm Bún song thằn, Làng nghề bún – bánh An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn; sản phẩm súng thần công, làng nghề đúc kim loại Bằng Châu, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn và 05 làng nghề trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn (sản phẩm cây mai cảnh). 05 làng nghề có sản phẩm được công nhận đạt hạng 3 sao: sản phẩm nước mắm, Làng nghề nước mắm Đề Gi, huyện Phù Cát ;sản phẩm nón lá, làng nghề nón lá Gò Găng, thị xã An Nhơn; sản phẩm hoa cúc chậu, làng nghề trồng hoa Bình Lâm,  huyện Tuy Phước; sản phẩm rượu Bàu đá: rượu gạo, rượu nếp, rượu đậu xanh - làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá, thị xã An Nhơn; sản phẩm chiếu cói, làng nghề truyền thống dệt chiếu cói Chương Hòa, thị xã Hoài Nhơn. Ngoài ra, có 15 làng nghề đã có sản phẩm đăng ký thương hiệu.

Nhìn chung, với kết quả trên thì vẫn còn tồn tại những hạn chế, như các làng nghề của tỉnh chủ yếu là phát triển theo hướng tự phát, manh mún, quy mô nhỏ lẻ hầu hết các cơ sở sản xuất còn ít vốn, trang thiết bị chưa được đầu tư, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa mới, đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường,… nguyên nhân là do việc bố trí lồng ghép các nguồn vốn còn khó khăn, liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề, liên kết với doanh nghiệp còn hạn chế ...

Vì vậy, phương hướng, nhiệm vụ đề ra là xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các cơ sở ngành nghề nông thôn, các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề tham gia sản xuất sản phẩm đáp ứng về chất lượng, phong phú về mẫu mã,... với giải pháp chủ yếu là tăng cường công tác xúc tiến mở rộng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tiếp cận thị trường trong và ngoài nước bằng cách ưu tiên quảng cáo, triển lãm, nhất là tham gia đầy đủ các buổi hội chợ; tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài để tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, phát triển, tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn; tập trung thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường các làng nghề, tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng môi trường để có phương án xử lý; đối với các làng nghề tập trung, cần áp dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, xây dựng hệ thống nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, thực hiện thu phí môi trường, tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường…

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật