A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hẹn gặp lại trong tình yêu võ cổ truyền

Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII đã chính thức khép lại sau chương trình bế mạc vào tối 11.8 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn. Dù vậy, những cung bậc cảm xúc trong những ngày sôi nổi giao lưu võ thuật sẽ mãi đọng lại trong lòng đông đảo người tham gia.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng (thứ tư từ phải qua) và Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (thứ tư từ trái qua) tặng kỷ niệm chương cho các đoàn.  

Ảnh: HOÀI THU

Lễ bế mạc Liên hoan có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, đông đảo đại biểu và người dân.  

Tổ chức thành công nhiều hoạt động

Để chuẩn bị cho Liên hoan, nhiều tháng qua, Ban tổ chức và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác mời gọi các đoàn võ thuật quốc tế và trong nước; chuẩn bị cơ sở vật chất; xây dựng chương trình... Nhờ đó, Liên hoan đã thu hút 1.358 võ sư, huấn luyện viên, võ sĩ, võ sinh đến từ các võ đường, võ phái trong và ngoài nước.

Biểu diễn võ thuật trong đêm bế mạc.   Ảnh: NGUYỄN DŨNG

So với các lần trước, kỳ Liên hoan lần này có thời gian kéo dài hơn và nhiều hoạt động hơn, đi liền với đó là các đơn vị liên quan phải chịu áp lực lớn hơn. Đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh, cho biết: Lực lượng cán bộ, HLV, VĐV của Trung tâm đã huy động tới “200% sức lực” để tham gia nhiều khâu chuẩn bị tổ chức, chương trình biểu diễn khai mạc và bế mạc, đón tiếp các đoàn, rồi lại tập trung cho thi đấu. Lễ trao giải với rất nhiều nội dung tranh tài trong Liên hoan “Tinh hoa Võ Việt quốc tế” đã lập kỷ lục vào tối 10.8 khi kéo dài đến hơn bốn tiếng đồng hồ.

Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Liên hoan, đánh giá: “Ban tổ chức Liên hoan lần này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp để tạo khác biệt hơn so với các lần trước, tập trung vào biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam và điều tiết các chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc, bế mạc và nội dung Liên hoan. Qua đó, tạo điều kiện nhiều hơn cho các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế được biểu diễn phục vụ đông đảo nhân dân, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh của tỉnh, góp phần tăng cường sự đoàn kết, hữu nghị, quảng bá đất nước và con người Bình Định. Dù vậy, trong quá trình tổ chức không tránh khỏi những thiếu sót, Ban Tổ chức Liên hoan rất mong nhận được sự cảm thông…”.

Để lại ấn tượng đẹp

Nhiều ý kiến từ các đoàn trong nước và quốc tế về tham gia Liên hoan đều bày tỏ ấn tượng đẹp về công tác tổ chức, cùng phong cảnh, ẩm thực, sự thân thiện của người dân Quy Nhơn - Bình Định. Một trong những “điểm cộng” là lực lượng tình nguyện viên được chọn từ sinh viên các trường đại học, cao đẳng của tỉnh. Sự nhiệt tình, tự tin giao tiếp tốt của nhiều tình nguyện viên đã giúp họ làm tốt vai trò “cầu nối”, tạo được thiện cảm cho bạn bè phương xa, đặc biệt là các vị khách quốc tế.

Đêm bế mạc thu hút đông người xem. Ảnh: HOÀI THU

Tình nguyện viên Nhật Lệ, sinh viên khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ: “Em là tình nguyện viên cho đoàn Algeria, đa số đều nói tiếng Pháp, chỉ vài người giao tiếp tiếng Anh được nhưng cũng hơi khó nghe. Qua trò chuyện nhiều và diễn đạt ý ngắn gọn, dễ hiểu thì mọi việc cũng suôn sẻ. Ngoài hướng dẫn đoàn tham gia các chương trình biểu diễn, giao lưu, thi đấu, em còn tìm hiểu trước về các điểm di tích để giới thiệu khi đoàn đi tham quan, tư vấn họ mua quà và đồ lưu niệm ở Quy Nhơn nên họ rất vui và đề nghị kết bạn qua facebook để giữ mối liên lạc…”.

Có những chuyện bên lề khác cũng đã tạo “niềm vui bất ngờ” cho các võ sư, võ sinh quốc tế. Như trong chuyến đến dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung vào sáng 8.8, võ sư Hồ Minh Mộng Hùng (TP Quy Nhơn) đi chung xe và biết được võ sư Ait Medjber Rabie của đoàn Algeria bị chấn thương vùng vai đã nhiều năm. Võ sư Hùng sau đó đã nhiệt tình mời vị khách quốc tế về nhà để cha của mình là Đại võ sư Hồ Minh Thế chữa trị bằng phương pháp truyền thống của võ y Bình Định. Mấy ngày sau đó, võ sư Hùng còn nhiệt tình đến tận khách sạn của đoàn Algeria để điều trị thêm.

“Cùng với việc được tham gia những hoạt động sôi nổi, thiết thực về võ cổ truyền Việt Nam, chuyến đi lần này của tôi càng thêm ý nghĩa khi chấn thương đã thuyên giảm nhờ phương pháp chữa bệnh rất hay của võ sư Bình Định. Rất thích không khí tổ chức tại Quy Nhơn - Bình Định nên kỳ Liên hoan sau chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia với lực lượng hùng hậu hơn”, võ sư  Ait Medjber Rabie chia sẻ.

Hẹn gặp lại trong tình yêu võ cổ truyền

Chương trình bế mạc Liên hoan được dàn dựng ngắn gọn nhưng vẫn trang trọng, lôi cuốn khi kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật và võ thuật, với sự tham gia của hàng trăm võ sư, võ sinh, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, cùng các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế. Bên cạnh tiết mục đồng diễn các bài quyền đan xen với đối luyện, khán giả được thưởng thức những tiết mục xuất sắc đã “trăm hoa đua nở” tại Liên hoan Tinh hoa Võ Việt quốc tế lần thứ II. Ban tổ chức Liên hoan còn trao kỷ niệm chương cho các đoàn võ thuật quốc tế nhiệt tình tham gia, cùng một số cá nhân có thành tích xuất sắc tại Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định lần này.

Ảnh: HOÀI THU

Ở phần kết chương trình bế mạc, nhiều võ sư, HLV, võ sinh càng thêm hứng khởi biểu diễn các bài võ đặc sắc, tiêu biểu khi ca khúc “Võ cổ truyền Việt Nam” vang lên đầy hào hùng. Càng ý nghĩa hơn khi tác giả - võ sư Đặng Lê Hùng đã sáng tác ca khúc này từ nguồn cảm xúc trong một lần tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Ca khúc “Bài ca tạm biệt” của nhạc sĩ Bình Định Huỳnh Hiệp An đã tạo cảm xúc lưu luyến cho các đoàn trong giờ phút chia tay: “Tạm biệt Quy Nhơn, tạm biệt Bình Định, nhớ mãi những phút giây bên nhau...”.                  

Theo HOÀI THU  (baobinhdinh.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật